Đây là đánh giá được Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đưa ra ngày 21/3 trong một báo cáo nhân dịp kỷ niệm Ngày khí tượng thế giới (23/3). Nắng nóng kỷ lục, tính theo trung bình hàng tháng, rơi vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, đặc biệt ở vùng địa hình cao của bán cầu Bắc. Nhiệt độ trong hai tháng đầu năm 2016 đã lên đến mức cao mới, sau một năm mọi kỷ lục trước đó đã bị vượt xa.
Cũng trong hai tháng này, Bắc Cực ghi nhận hiện tượng tan băng đạt mức kỷ lục, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vượt ngưỡng 400 phần triệu. Giám đốc Chương trình nghiên cứu khí hậu thế giới, ông David Carlson (Đa-vít Can-xơn) cho rằng nhiệt độ tăng cao trong năm nay là đặc biệt đáng báo động và đang khiến các nhà nghiên cứu khí hậu bối rối.WMO cũng đã xác nhận những phát hiện hồi tuần trước của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) rằng tháng trước là tháng 2 nóng nhất kể từ khi các số liệu hiện nay được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình cao hơn 1,21 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Theo NOAA, nhiệt độ đặc biệt tăng cao ở vùng cực Bắc bán cầu, với diện tích băng bao phủ ở Bắc băng dương ở mức thấp kỷ lục vào tháng 2. Tổng thư ký WMO Petteri Taalas (Pét-tơ-ri Ta-a-lát) cho rằng đó là những dấu hiệu đáng chú ý của hiện tượng biến đổi khí hậu, "chúng ta chưa từng chứng kiến hiện tượng như vậy trước đây". Ông nhấn mạnh chỉ có thể ngăn chặn những kịch bản khí hậu tồi tệ nhất bằng cách áp dụng khẩn cấp các biện pháp nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhân dịp này, WMO đã công bố bản đánh giá tình trạng khí hậu thế giới năm 2015. Theo đó, năm 2015 được biết là năm nóng kỷ lục, đại dương ấm lên, mức nước biển tăng cao, vỏ băng địa cực giảm và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện.
Theo TTXVN