Thế giới trong tuần

1. Trong bối cảnh cuộc đàm phán hòa bình về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ, dưới sự dàn xếp chính của Nga và Mỹ đang diễn ra ở Geneve (Thụy Sĩ), Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố rút quân khỏi Syria gây bất ngờ lớn cho Mỹ, một “đối tác bất đắc dĩ” của Nga trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Quyết định rút quân khỏi Syria được cho là nước cờ khôn ngoan của Tổng thống Nga Putin, chứng tỏ Moscow dành ưu tiên cho các giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng Syria, tạo động lực cho tiến trình đàm phán giữa các lực lượng chính trị ở quốc gia Trung Đông này. Theo ông Putin, quyết định này sẽ tăng thêm lòng tin của các bên tham gia vào tiến trình chính trị ở Syria và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria một cách hòa bình.

Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Ismael Abraao Gaspar cho rằng, quyết định rút lực lượng Nga khỏi Syria là kết quả của sự hợp tác Nga-Mỹ trong cuộc tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Syria. Trong đó, truyền thông phương Tây cũng nhận định, rút quân vào lúc này, Nga có đủ cơ sở để tuyên bố rằng chiến dịch tại Syria là một thắng lợi.

Ngay sau khi Nga tuyên bố rút quân, Tổng thống Obama đã không vội vã đưa ra nhận xét nào. Hai người đứng đầu Nhà trắng và Điện Kremli đã có cuộc đàm phán nhằm thỏa thuận các bước tiếp theo liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria, cũng như cuộc chiến chống IS đầy cam go. Ngoại trưởng Mỹ G. Kerry đã lên kế hoạch thăm Nga trong tuần tới để hội kiến Tổng thống V. Putin nhằm thảo luận về cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria. Điều đó càng chứng tỏ, hiệu quả từ các chiến dịch không kích của Nga làm thay đổi cục diện chiến trường ở Syria, buộc Mỹ phải thừa nhận vai trò quan trọng của Moscow trong giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Còn quá sớm để đưa ra những đánh giá về quyết định rút quân của Nga, song một thực tế cho thấy, Nga đã rút quân đúng lúc, khi “điểm nóng” này bắt đầu hạ nhiệt. Cuộc khủng hoảng Syria đang được Nga giải quyết theo hướng thúc đẩy một giải pháp chính trị.

2. Mỹ đã xóa tên Cuba khỏi danh sách những quốc gia không có đủ các biện pháp bảo đảm an ninh tại bến cảng, qua đó gỡ bỏ một rào cản lớn đối với hoạt động di chuyển tự do của tàu thuyền tại eo biển Florida. Quyết định này dọn đường cho tàu thủy, tàu chở hàng và thậm chí là phà của Mỹ đi lại giữa 2 nước mà không gặp rắc rối như trước.

Động thái này là tín hiệu tích cực mới nhất trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương, trước thềm chuyến thăm lịch sử tới Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Trước đó, Dịch vụ bưu chính Mỹ và Cuba chính thức được nối lại sau gần nửa thế kỷ gián đoạn và chuyến bay đầu tiên chuyển thẳng bưu kiện giữa 2 nước đã đáp xuống La Habana ngày 16-3. Phó Chủ tịch Tổng Công ty Bưu chính Cuba Zoraya Bravo cho biết, sau chuyến bay biểu tượng này, hai bên sẽ thực hiện 3 chuyến trao đổi thư tín và bưu kiện mỗi tuần giữa hai thành phố La Habana và Miami, bang Florida, Mỹ, từ ngày 25-3 tới.

Quốc hội Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục công bố các biện pháp nới lỏng hạn chế đi lại và thương mại với Cuba ngay trước thềm chuyến thăm lịch sử của ông Obama tới quốc đảo này vào đầu tuần tới, ngày 21 đến 22-3, một bước tiếp theo hướng tới chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh này. Đây sẽ là chuyến thăm Cuba đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm kể từ năm 1928.

Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro nhằm thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có tiến trình khôi phục quan hệ ngoại giao và các cơ hội hợp tác thương mại song phương.