1. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Mỹ sẽ có hành động thích đáng đối với Iran nếu các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mà Tehran thông báo vừa tiến hành được xác nhận và khẳng định, Washington sẽ hành động nếu Tehran thực sự phá vỡ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Nhóm P5+1 và các hoạt động đối với vũ khí thông thường bên ngoài khuôn khổ thỏa thuận này.
Tuyên bố cứng rắn trên của Phó Tổng thống Mỹ được đưa ra sau khi truyền thông Iran đưa tin trong 2 ngày 8 và 9-3, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng thử một số tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ một cuộc tập trận quân sự.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Jaberi-Ansari khẳng định: “Chương trình tên lửa của Iran và việc phóng thử tên lửa trong cuộc tập trận mấy ngày qua không đi ngược lại những cam kết hạt nhân của nước này và thỏa thuận hạt nhân đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức)”.
Một thông tin liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị các bộ, ngành hữu quan nhanh chóng thu thập và phân tích thông tin về vụ phóng 2 tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Ông Abe lưu ý rằng, chính quyền Tokyo sẽ kiên quyết phản đối những hành động mới đây nhất của Bình Nhưỡng và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc cùng các bên liên quan khác để thu thập thông tin tình báo và đánh giá cụ thể hơn tình hình và khẳng định vụ phóng tên lửa đó của Triều Tiên rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và đe dọa tới an toàn của cả hoạt động đi lại và thương mại trên biển ở khu vực này.
Trước đó, sáng sớm ngày 10-3, Triều Tiên đã bắn 2 tên lửa tầm ngắn từ khu vực Kangwon, tỉnh Bắc Hwanghae của nước này, ra biển Nhật Bản.
2. Dưới vai trò trung gian của LHQ, đại diện các phe đối lập chính ở Syria thông báo sẽ tham gia vòng đàm phán hòa bình mới với Chính phủ Syria.
Đặc phái viên LHQ về Syria – ông Staffan de Mistura cho rằng, không thể trì hoãn thêm nữa cuộc thương lượng giữa các phe đối lập Syria, dự kiến sẽ chính thức diễn ra tại Geneve ngày 14-3 tới. Những bước tiến này có được nhờ thỏa thuận ngừng bắn quan trọng tại Syria, cũng như sự phối hợp giữa Nga và Mỹ trong giải quyết khủng hoảng. Cuộc đàm phán lần này sẽ tập trung vào việc xây dựng một Chính phủ chuyển tiếp ở Syria, xúc tiến các cuộc bầu cử và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới ở Syria – dựa trên nguyên tắc người dân Syria, chứ không phải các thế lực bên ngoài, có quyền quyết định số phận của Tổng thống Bashar Assad.
Cuộc tọa đàm tại Geneve đang được LHQ gấp rút chuẩn bị với hy vọng sẽ tìm được “chìa khóa” mở cánh cửa hòa bình cho Syria. Mặc dù, con đường tiến tới hòa bình còn phải vượt qua một chặng đường dài gian nan, song những diễn biến mới liên quan cuộc khủng hoảng kéo dài này cho thấy các bên liên quan đang đi đúng hướng – chỉ có một giải pháp chính trị mới là biện pháp duy nhất có thể chấm dứt xung đột, đem lại hòa bình cho người dân Syria, chấm dứt tấn thảm kịch tồi tệ đang diễn ra ở quốc gia Trung Đông này.
P.V