Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã đến tỉnh Iwate (I-oa-tê), vào dịp người dân ở đây chuẩn bị tổ chức tưởng niệm 5 năm xảy ra thảm họa. Thị trấn Otsuchi (Ô-chư-chi) ven biển có 1.285 người đã thiệt mạng và mất tích - tương đương 10% dân số thị trấn - khi sóng thần cao tới hơn 22 mét đổ vào thị trấn này năm 2011. Đây là một trong những thị trấn có tỷ lệ nạn nhân thiệt mạng và mất tích cao nhất trong thảm họa sóng thần. Gần 60% nhà cửa trong thị trấn bị hư hại. Đến nay người dân Otsuchi vẫn giằng co giữa mong muốn trở về hay rời xa nơi họ đã trải qua những giờ phút kinh hoàng và đau thương.
Hiện chính quyền thị trấn Otsuchi đang khẩn trương xúc tiến các dự án tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân, theo đó xây dựng các khu định cư mới thay thế cho các khu nhà tạm chật hẹp dành cho những người mất nhà ở trong thảm họa. Khu định cư Ogaguchi Icchome với 70 căn nhà đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường, tiện nghi, an sinh xã hội đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ 100% nhà có người ở. Người dân tại đây được chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà, vì vậy phí thuê nhà rất rẻ so với mặt bằng chung. Song song với việc cung cấp cho người dân một nơi ở lâu dài khang trang, đầy đủ tiện nghi, khu định cư Ogaguchi Icchome còn quan tâm đến việc xây dựng một cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhà sinh hoạt chung của khu định cư là nơi các cư dân hội họp, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng một cộng đồng tương thân, tương ái, đặc biệt đem lại niềm vui cho những người già sống cô đơn.
Theo thống kê của địa phương, thị trấn Otsuchi có 48 khu nhà tạm, với khoảng 3.000 người sinh sống. Chính quyền ước tính nhanh nhất là tháng 3/2021 mới có thể đóng cửa toàn bộ các khu nhà tạm trong thị trấn. Tại thị trấn Taro (Ta-rô), thành phố Miyako (Mi-a-kcô), bên cạnh nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội như công viên, sân bóng chày, bệnh viện, trường học đang được xây mới hoặc nâng cấp. Một trong những công trình thu hút sự quan tâm của người dân nơi đây là dự án xây dựng đê chắn biển. Taro vốn được biết đến là “Tsunami Taro” (Taro vùng đất của sóng thần) vì nơi đây có lịch sử ba lần bị sóng thần tàn phá trong các năm 1611, 1896 và 1933. Thị trấn có ba đê chắn biển, trong đó đồ sộ nhất là con đê dài 2.433 m, cao 10,65m. Công trình này hoàn thành vào năm 1978, được mệnh danh là “Vạn lý trường thành tại Taro”. Tuy nhiên, trận sóng thần năm 2011 cao tới 16 m đã vượt qua đê thứ nhất và đê thứ ba, phá hủy hoàn toàn đê thứ hai. Sau thảm họa năm 2011, thành phố Miyako quyết định tái thiết hệ thống đê của Taro, xây dựng một đê chắn biển mới cao 14,7m, dự kiến hoàn tất vào tháng 3/2017. Thị trưởng Miyako, ông Masanori Yamamoto (Ma-xa-nô-ri Ya-ma-mô-tô) khẳng định: “Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như người dân, chúng tôi đã tiến xa trong quá trình tái thiết các khu vực bị thảm họa. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng lại những mảnh đất này vẫn đang tiếp tục và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến từng bước vững chắc”.
Theo TTXVN