Theo dòng thời sự:

Bác sĩ gia đình - Nền tảng thành công trong chăm sóc y tế toàn dân của Cuba

Trong gần 6 thập kỷ đấu tranh và phát triển vừa qua, một trong những thành quả to lớn nhất của Cách mạng Cuba chính là xây dựng một mạng lưới y tế công cộng hoàn chỉnh, chất lượng cao phục vụ miễn phí toàn dân. Một trong những yếu tố làm nên thành công đã được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế chính là mô hình bác sĩ gia đình.

Mô hình tạo ra diện mạo y tế mới

Mô hình bác sĩ gia đình ra đời vào năm 1984 theo sáng kiến của lãnh tụ Cách mạng Fidel Castro (Phi-đen Ca-xtơ-rô), người khi đó mong muốn tiến thêm một bước trong việc đưa công tác chăm sóc y tế toàn diện tới tận cộng đồng dân cư và thay đổi những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh từ gốc rễ. Ý tưởng chủ đạo là lập ra các phòng khám với bác sĩ sống ngay trong lòng mỗi cộng đồng dân cư, khu phố để nắm bắt sâu sát tình trạng sức khỏe, vệ sinh dịch tễ ngay từ địa phương và trở thành đội ngũ “tiên phong”, trực thuộc các trạm xá đa khoa và cùng các cơ sở này hình thành tuyến bệnh viện đầu tiên trong hệ thống y tế Cuba – gồm tổng cộng 3 tuyến. Chỉ sau một thời gian thí điểm, tới cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình đã phủ rộng toàn lãnh thổ Cuba. 

Bác sĩ Nilda Roca Menéndez (Nin-da Rô-ca Mê-nen-đét), Giám đốc Trạm xá đa khoa Vedado (Vê-đa-đô) tại thủ đô La Habana, cho biết hiện tại cơ sở của bà đang quản lý 40 phòng khám bác sĩ gia đình với tổng số gần 44.000 dân trên diện tích 1,6 km2, trung bình mỗi phòng khám bác sĩ gia đình theo dõi khoảng 1.000 – 1.200 người trong hơn 300 hộ gia đình. Sự phân bổ và phạm vi quản lý của các trạm xá đa khoa và các phòng khám bác sĩ gia đình không hoàn toàn trùng khớp với phân chia địa lý – hành chính của các địa phương mà được thiết lập và điều chỉnh tùy theo trình trạng phân bố dân cư. Tại các thành phố - nơi mật độ dân cư cao, các cơ sở y tế này phụ trách diện tích địa lý nhỏ hẹp hơn nhưng số lượng người dân đông hơn, trong khi tại các vùng nông thôn, diện tích quản lý rộng hơn nhưng vẫn luôn phải đảm bảo nguyên tắc không để bất cứ người dân nào phải di chuyển quá xa bằng phương tiện để tiếp cận bác sĩ gia đình của mình. Hiện tại, Cuba có 254 trạm xá đa khoa, trong đó riêng tại thủ đô La Habana có 82 trạm xá với khoảng 11.000 phòng khám bác sĩ gia đình.

 
Một phòng khám bệnh thuộc hệ thống Bác sỹ gia đình ở vùng núi tỉnh Pinar del Rio, miền Tây Cuba. Ảnh: Duy Truyền - TTXVN

Cấu trúc của mỗi phòng khám bác sĩ gia đình được hoàn thiện dần theo thời gian và hiện tại gồm một bác sĩ – thường là bác sĩ đa khoa tổng hợp, một y tá và một nhân viên phòng chống truyền nhiễm. Cứ khoảng 10 – 20 “đội y tế cơ sở” trên về chuyên môn lại trực thuộc một “nhóm y tế cơ sở” – đặt tại trạm xá đa khoa – và được bổ sung ở cấp độ này một bác sĩ khoa nội, một bác sĩ sản khoa, một bác sĩ lâm sàng, một nhân viên hoạt động xã hội và một nhân viên thống kê. Trong khi đó, các trạm xá đa khoa theo dõi tình trạng và phân loại y tế dân cư dưới các góc độ chuyên môn khác nhau như về miễn dịch hay dị ứng và cung cấp một số dịch vụ như sơ cứu, trị liệu vật lý phục hồi chức năng, trị liệu bằng siêu âm, tiểu phẫu hay khám chữa nha khoa.

Với cả hai hình thức hoạt động là khám tại phòng khám và khám tại nhà bệnh nhân, các bác sĩ gia đình tại Cuba đảm trách nhiệm vụ theo dõi biến động bệnh lý của cộng đồng dân cư, từ cấp độ khu phố, gia đình cho tới cá nhân; triển khai các chương trình y tế định kỳ toàn quốc – ví dụ như tiêm chủng mở rộng; thanh tra địa bàn định kỳ, theo dõi về tình trạng dịch tễ, môi trường, điều kiện sống; vận động người dân áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh, tham gia các chương trình y tế hay các chiến dịch vệ sinh, môi trường v.v… Cách tiếp cận bác sĩ – bệnh nhân trong mô hình này mang tính hai chiều: người dân có thể chủ động đến phòng khám vì có nhu cầu; hoặc theo các đợt vận động y tế đặc biệt, và bác sĩ cũng chủ động kêu gọi, nhắc nhở các bệnh nhân cần chăm sóc y tế định kỳ. 

Bà Roca Menéndez khẳng định với vai trò tiên phong của mạng lưới bác sĩ gia đình – mang nhiệm vụ kép “phòng ngừa và vận động”, công tác chăm sóc y tế Cuba đã có một diện mạo mới, liên tiếp giành được những thành tích ấn tượng, mà mới đây nhất là việc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận vào năm ngoái.

Thành công từ một chiến lược dài hạn

Nổi bật trong các thành tựu y tế của Cuba là việc tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh luôn ở mức thấp nhất thế giới: liên tục trong 4 năm qua, tỷ lệ này được giữ ở    mức dưới 6 ca tử vong/1.000 trẻ dưới 1 tuổi, trong đó năm 2015 là 0,43%. Lưu ý rằng vào thời điểm năm 1971, tỷ lệ này tại Cuba vẫn ở mức 4,0%, dù đã thấp hơn so với thời kỳ trước khi cách mạng thành công. Riêng Trạm xá đa khoa Vedado, bác sĩ Roca Menéndez tự hào thông báo trong 5 năm qua đã không ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ sơ sinh hay sản phụ nào tử vong, và tại địa bàn quản lý, 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 11 loại vắcxin chống 13 loại bệnh phổ biến và 100% bà mẹ mang thai được theo dõi, chăm sóc y tế định kỳ.

Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba cũng không ngừng được cải thiện và hiện đang ở mức xấp xỉ 81 tuổi với nữ giới và 79 tuổi với nam giới, cao hơn tương đối so với chỉ số tương ứng 75 và 72 tuổi vào đầu những năm 1980, trước khi chương trình bác sĩ gia đình được triển khai. Một điểm đáng chú ý khác là sự thay đổi cơ bản trong biểu đồ bệnh lý tại đảo quốc Caribe này: các mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe người dân, hay nói cách khác là các bệnh gây tử vong hoặc có mức mắc bệnh cao, đã dịch chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh kinh niên không truyền nhiễm như ung thư, tim mạch hay thần kinh.

Cần nhấn mạnh rằng Cuba đã giành được tất cả các thành tích ấn tượng kể trên cùng nhiều thành tựu y tế khác trong bối cảnh bị Mỹ bao vây cấm vận ngặt nghèo từ hơn nửa thế kỷ qua, và do đó tiếp cận rất khó khăn các công nghệ, sản phẩm y tế và dược phẩm tiên tiến của thế giới, đặc biệt là trong hơn 2 thập kỷ qua sau khi khối xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ.

Bình luận về nguyên nhân thành công của mô hình bác sĩ gia đình tại Cuba, bà Roca Menéndez cho rằng quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của Nhà nước trong việc áp dụng một chiến lược và tầm nhìn mang tính dài hạn. Việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Cuba không chỉ đơn thuần là chỉ định các bác sĩ về địa phương và lập ra các phòng khám, mà là sự phối hợp hoạt động của nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau và dựa trên những điều kiện được chuẩn bị từ trước.

Trước khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, tình trạng y tế tại quốc đảo này cũng lạc hậu và mất cân đối giống như đa phần các nước đang phát triển khác ở khu vực. Vào thời điểm đó, Cuba chỉ có 6.000 bác sĩ, gần như chỉ tập trung tại thủ đô La Habana, và gần một nửa trong số này do sự xúi giục của Mỹ đã rời bỏ đất nước ngay khi chính phủ cách mạng lên cầm quyền. Để đối phó với tình hình khó khăn đó cũng như hoàn thành mục tiêu ưu tiên công tác xã hội mà cách mạng đề ra, chính phủ Cuba đã tập trung nguồn nhân lực, vật lực vào phát triển mạng lưới bệnh viện đa tuyến và theo chiều rộng trên cả nước, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo y khoa trong nước ở mọi cấp độ, từ đại học cho tới trung cấp kỹ thuật. Việc đưa vào ứng dụng mô hình bác sĩ gia đình chính là bước phát triển tiếp theo và dựa trên những điều kiện sẵn có của quá trình phát triển này.

Năm 1985, chỉ 1 năm sau khi bắt đầu thí điểm mô hình bác sĩ gia đình, Cuba đã mở một ngành mới là Đa khoa tổng hợp toàn diện với giáo trình được soạn thảo riêng, phù hợp với yêu cầu công tác của một bác sĩ gia đình, đồng thời áp dụng mô hình tuyển sinh, đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa trường học và các trạm xá đa khoa: các cơ sở y tế tuyến dưới này giờ không chỉ là các điểm thực tập của sinh viên y khoa, đặc biệt là các sinh viên Đa khoa tổng hợp toàn diện, mà còn là trường học chủ yếu và cơ sở làm việc trong và sau khi đào tạo. Việc áp dụng hệ thống tuyển sinh từ địa phương, kết hợp đào tạo tại chỗ và tại đại học giúp Cuba luôn đảm bảo lượng bác sĩ gia đình tại mọi địa phương dù không áp dụng bất cứ hình thức ưu đãi lương bổng nào cho các bác sĩ “vùng sâu, vùng xa” (dù đãi ngộ với ngành y tế nói chung tại Cuba cao hơn các ngành khác), đồng thời tận dụng được hiểu biết và mối quan hệ xã hội tại địa phương của các bác sĩ gia đình tương lai.

Cần nói thêm ngay trong khía cạnh đào tạo, mô hình bác sĩ gia đình cũng mang tới một lợi thế khác: mạng lưới phòng khám và đội ngũ nhân viên y tế có mức độ tiếp cận cộng đồng rất cao này giúp ích rất nhiều trong việc tiến hành các cuộc điều tra y tế chuyên sâu, thu thập dữ liệu cho các công trình khoa học về y, dược hay vệ sinh dịch tễ, hay theo dõi tác dụng của một loại thuốc hay phương pháp chữa trị mới.  

Khi bác sĩ thực sự là “người trong nhà”

Tại một căn hộ chung cư được trang bị thành phòng khám ở Khu phố 15, quận Vedado, La Habana, chúng tôi đã được bác sĩ gia đình Ileana Bárbara Aguilera kể về công việc của mình: “Đội làm việc của chúng tôi gồm 3 người, gồm tôi là bác sĩ, một y tá và một nhân viên chống truyền nhiễm. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc 8 tiếng, từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, với 1 tiếng nghỉ trưa. Trong đó, chúng tôi dành 4 tiếng để khám tại phòng khám và 4 tiếng còn lại đi khám tại nhà hoặc làm các công tác thực địa khác. Mỗi ngày, chúng tôi khám từ 20 – 25 bệnh nhân, khoảng 1/3 trong số đó là tại nhà người bệnh. Việc khám bệnh của chúng tôi thường là theo lịch, nhưng vì tôi sống ngay tại chung cư này, cả chị y tá nữa, nên mọi người có thể tìm, gọi điện cho chúng tôi bất cứ lúc nào, 24/24h”.

Bà cho biết cũng giống như các phòng khám khác, phòng khám của bà hiện tại đang triển khai 34 chương trình y tế quốc gia khác nhau, từ tiêm chủng, chăm sóc thai phụ, cho tới khám theo dõi các biểu hiện của các loại bệnh ung thư v.v.. Trong công tác theo dõi y tế, có 3 phân loại: những người khỏe mạnh, mỗi năm khám 1 lần; những người có nguy cơ mắc bệnh, 2 lần/năm; và những người có bệnh, 3 lần/năm.

Với nụ cười nhẹ nhàng nhưng hiền hậu trên môi, người nữ bác sĩ có 25 năm tuổi nghề và 10 năm gắn bó với khu phố khẳng định: “Tôi yêu thích công việc của mình và các bệnh nhân, với tôi họ như một gia đình lớn. Không chỉ là quan hệ bác sĩ – bệnh nhân đơn thuần, ở đây chúng tôi đều quen biết nhau, biết về gia đình của nhau vì chúng tôi cũng là bạn, là hàng xóm. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau rằng một bác sĩ gia đình cũng như một cha xứ trong xứ đạo của mình vậy; các bệnh nhân tới đây vừa khám bệnh, vừa kể chuyện gia đình cho chúng tôi nghe”.

Bác sĩ Roca Menéndez –từng là bác sĩ gia đình gần 20 năm trước khi đảm nhận cương vị giám đốc trạm xá – cũng chia sẻ quan điểm này: “Bác sĩ gia đình chính là người mà người dân khu phố chia sẻ, tâm sự các vấn đề cá nhân và mọi chuyện trong gia đình, từ chuyện một cháu nhỏ hay khóc hay chi tiết chăm sóc người già trong nhà. Sự tin tưởng của bà con dân phố làm nên thành công trong công việc của một bác sĩ gia đình, nhất là trong việc vận động, thuyết phục người dân từ bỏ các thói quen sinh hoạt có hại. Điều đó không thể đong đếm được bằng những con số”.

Có thể khẳng định rằng các bác sĩ gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục là những cơ sở vững chắc cho hệ thống y tế ưu việt và giàu tính nhân văn của Cuba, là những “từ mẫu” ngay sát bên cạnh mỗi người dân tại “hòn đảo tự do” này.

Theo TTXVN