Thế giới trong tuần

1. Sau vài lần trì hoãn, ngày 2-3, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết do Mỹ và Trung Quốc đề xuất nhằm mở rộng trừng phạt Triều Tiên với nhiều biện pháp mới được cho là cứng rắn nhất liên quan tới việc Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo mới đây.

Theo nghị quyết trừng phạt  mới, tất cả các hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên đều phải được kiểm tra; trong khi trước đây, các nước chỉ tiến hành kiểm tra những kiện hàng bị nghi ngờ chứa hàng cấm. Biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm lệnh cấm Triền Tiên xuất hoặc nhập khẩu vũ khí hạng nhẹ, xuất khẩu than, sắt, vàng, titanium, đất hiếm. Ngoài ra, LHQ cũng cấm các tổ chức tài chính được mở chi nhánh và tài khoản tại Triều Tiên. 16 cá nhân, trong đó có đại diện thương mại ở một số nước của Triều Tiên, cũng đã bị đưa vào danh sách “đen” của LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samatha Power khẳng định, nghị quyết của LHQ không nhằm vào người dân mà để hạn chế tối đa nguồn tài chính của Triều Tiên, qua đó nước này không có cơ hội phát triển các chương trình hạt nhân của mình.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Nga hy vọng Triều Tiên sẽ tiếp nhận quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng một cách phù hợp, từ đó có thể quay trở lại các vòng đàm phán 6 bên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc nhận định đây là nghị quyết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ văn kiện mới này. Từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản hoan nghênh quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ và gọi đây là một thông điệp của cộng đồng quốc tế gởi đến Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Gói trừng phạt Triều Tiên vừa được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua được xem là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất trong hơn 20 năm qua. Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Bảo an thống nhất, trừng phạt không phải là mục đích cuối cùng của nghị quyết. Nghị quyết chỉ là con đường dẫn tới đích nhằm đạt được hòa bình, an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.

2. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại biên giới Hy Lạp đang ngày càng trở nên rõ rệt sau khi hàng loạt các quốc gia vùng Balkan như: Slovenia, Macedonia, Croatia, Áo, Serbia tuyên bố áp đặt hạn ngạch đối với người di cư. Mỗi ngày các nước này chỉ cho phép 580 người đi qua biên giới. Điều này đã đẩy hàng chục nghìn người tị nạn bị mắc kẹt tại khu vực biên giới Hy Lạp.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nhân đạo tại biên giới các nước châu Âu khi ngày càng có nhiều quốc gia đơn phương áp dụng chính sách riêng nhằm hạn chế dòng người tị nạn. Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch cứu trợ khẩn cấp trị giá 700 triệu Euro cho Hy Lạp nhằm đối phó với khủng hoảng di cư. Trong tuần tới, EU cũng sẽ họp thượng đỉnh với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây sức ép tới nước này ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Đông sang châu Âu trong bối cảnh có hơn 130.000 người di cư tới “lục địa già” từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, Thụy Điển cho biết, nếu như không có một giải pháp chung của EU, Thụy Điển bắt buộc phải tự áp đặt các biện pháp ngắn hạn để kiểm soát dòng người tị nạn bằng cách sẽ gia hạn việc kiểm tra giấy tờ tại biên giới đến ngày 8-4. Còn Đan Mạch cho biết, sẽ kéo dài việc tái lập kiểm soát biên giới với Đức tới ngày 3-4. Nước này lần đầu áp đặt việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của các hành khách đi tàu và đi phà qua khu vực biên giới từ ngày 4-1.