Chúng tôi được theo lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán vào những ngày cuối tháng 3. Đi qua thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) là cánh đồng đậu xanh trải dài đã đến kỳ thu hoạch. Giữa cánh đồng mênh mang nắng, từng tốp người tay thoăn thoắt hái đậu. Biết tin có đoàn đến tham quan mô hình trồng đậu xanh bằng kỹ thuật gieo giống theo hàng, vợ chồng anh Bay Thanh Nếu ra đồng từ sớm. Khu đất trồng đậu xanh hiện nay, trước đây trồng lúa, nhưng đã ngưng canh tác nhiều vụ do thiếu nước sản xuất. Đến vụ đông-xuân 2015-2016, từ sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình quyết định chuyển qua trồng 1ha đậu xanh. Thật bất ngờ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cây đậu xanh vẫn phát triển tốt. Mới hái đợt đầu được 5 tạ, còn hai lần hái nữa mới kết thúc vụ, năng suất đạt 1,5 tấn/ha là ăn chắc. Anh Nếu quả quyết, vụ tới vẫn tiếp tục trồng cây đậu xanh bởi hai lý do: Thứ nhất, loại cây này sử dụng ít nước, chỉ tưới một lượt khi mới gieo giống, sau đó cây sinh trưởng nhờ vào độ ẩm của đất cho đến khi thu hoạch. Thứ 2, trồng cây đậu xanh đầu tư thấp hơn trồng lúa (chỉ bằng 2/3 so với trồng lúa) nhưng lợi nhuận cao gấp đôi, với giá 27.000 đồng/kg do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thu mua hiện nay, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng cầm chắc 35 triệu đồng/ha. Cùng chung niềm vui với nông dân thôn Mỹ Hiệp, nông dân ở các thôn Trà Nô (xã Phước Hà), Nhị Hà 3 (xã Nhị Hà, Thuận Nam)… cũng rất vui mừng vì có mùa đậu xanh bội thu.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẽ niềm vui được mùa đậu xanh với nông dân thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước tình hình hạn hán kéo dài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung vận động nông dân thực hiện chuyển đổi sang cây trồng cạn. Theo đó, vụ Đông -xuân 2015-2016, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 1.260ha cây trồng cạn (chủ yếu là bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi), đạt 122% kế hoạch. Qua đó, xuất hiện những cách làm hay, gương sản xuất giỏi, có nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán được các địa phương, nông dân áp dụng có hiệu quả, như: Mô hình tưới tiết kiệm, mô hình trồng đậu xanh theo hàng đã tiết kiệm được 30% lượng nước tưới, năng suất tăng 20% so với canh tác truyền thống. Kết quả kiểm tra công tác chuyển đổi cây trồng cạn ở thôn Mỹ Hiệp cho thấy, ngoài tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân vùng hạn, thì việc canh tác các loại cây trồng cạn còn tận dụng được lượng lớn nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Hiệu quả từ thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn có thể khẳng định, giảm diện tích lúa ở những vùng thiếu nước chuyển qua trồng đậu xanh, bắp, đang là cơ hội tăng thêm thu nhập cho nông dân. Vượt qua khó khăn ban đầu, nông dân đã dần thích ứng với môi trường hạn hán, biết lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với từng loại đất, các mô hình thâm canh, luân canh có hiệu quả. Kinh nghiệm rút ta từ thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán theo chỉ đạo của UBND tỉnh là rất quý giá, giúp nông dân an tâm, tiếp tục sản xuất ở những vụ sau. Sự lúng túng của nông dân trước biến đổi khí hậu đột ngột không còn nữa, thay vào đó, nhà nhà biết chọn những mô hình thích hợp tổ chức sản xuất ứng phó với hạn hán. Đối với những vùng nằm xa nguồn nước như ở thôn Mỹ Hiệp, thôn Trà Nô…, có thể chuyển hẳn từ trồng lúa sang thâm canh cây đậu xanh để tăng năng suất. Riêng các vùng thiếu nước theo mùa như ở thôn Mông Nhuận, Hậu Sanh (xã Phước Hữu, Ninh Phước) thì thực hiện mô hình luân canh bền vững “đậu xanh-lúa-dưa”.
Sát cánh cùng nông dân trong thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán, suốt cả mùa vụ, ngành chức năng, các địa phương đã cử cán bộ trực tiếp xuống đồng hướng dẫn bà con áp dụng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Xác định việc thực hiện thành công chương trình sẽ tạo niềm tin cho nông dân hướng đến chuyển đổi bền vững, lâu dài và có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện chương trình; đồng thời, từ đầu vụ đông-xuân đến nay đã tổ chức 3 đợt kiểm tra thực tế trên đồng ruộng.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai chương trình, sự nỗ lực của nông dân vượt qua khó khăn chuyển đổi cây trồng theo chỉ đạo của tỉnh. Kết quả từ sản xuất đậu xanh, bắp vượt trội so với trồng lúa cho thấy chủ trương chuyển đổi cây trồng ứng phó với hạn hán của tỉnh là đúng đắn, kịp thời. Đến nay, có thể khẳng định công tác chuyển đổi đã thành công. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như một số địa phương chưa chỉ đạo kịp thời nông dân xuống giống đồng loạt dẫn đến khó khăn trong chăm sóc; có xã chưa thực sự quan tâm đôn đốc, ký kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm của nông dân… Những khu vực chuyển đổi cần khắc phục những thiếu sót trên trong những vụ tới để chương trình chuyển đổi đảm bảo bền vững.
Anh Tùng