Với diện tích canh tác ruộng lúa 1.550ha, xã Phước Hữu được xác định là một trong những “vựa lúa” trọng điểm của huyện Ninh Phước. Do thời tiết khô hạn kéo dài hơn hai năm qua, các công trình thủy lợi Tân Giang, CK 7, Bàu Zôn cạn nguồn nước.
Nông dân thôn Hậu Sanh chăm sóc cây đậu xanh vụ Đông Xuân.
Vụ đông-xuân năm nay, toàn xã xuống giống 841ha lúa tập trung ở các vùng chủ động tưới từ hệ thống kênh Nam, đạt 54% diện tích đất lúa. Ngay từ vụ mùa 2015, cấp ủy xã Phước Hữu đã ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo hệ thống chính trị vận động nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng cạn trên đất lúa. Đồng thời, chủ động ứng phó với tình hình khô hạn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Sau khi thu hoạch vụ mùa, nông dân các thôn La Chữ, Hậu Sanh chuyển sang các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới trên vùng đất lúa với diện tích trên 237ha. Trong đó, đậu xanh có 210ha, bắp 12,6ha, dưa hấu 14ha, cỏ 0,4ha…
Đến với vùng hạ lưu hồ Bàu Zôn, chúng tôi gặp nông dân thôn Hậu Sanh chăm sóc cây đậu xanh đang giai đoạn đơm bông kết trái trên đồng đất tục danh Tuôn Rậm. Anh Bá Ngọc Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hậu Sanh, cho biết: Nông dân địa phương canh tác 40ha đậu xanh giống ĐX 208 tưới bổ sung từ nguồn nước hồ Bàu Zôn hiện còn khoảng 300 ngàn m3 nước, đạt 18% dung tích thiết kế. Giống đậu xanh được Nhà nước hỗ trợ 3kg/sào do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cung cấp, thời gian sinh trưởng 60-75 ngày. Các nông hộ gieo sớm đã cho thu hoạch, năng suất trung bình 1,5-2 tấn/ha. Thương lái đến tận nhà thu mua đậu hạt với giá 27 ngàn đồng/kg, trừ hết chi phí, bà con còn lãi gần 30 triệu đồng/ha, cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Thân cây đậu xanh được nông dân tận thu cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc trong mùa khô hạn.
Nông dân thôn La Chữ chủ động khoan giếng bơm tưới hoa màu.
Anh Võ Thành Nhân, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp La Chữ dẫn chúng tôi đến với cánh đồng khô hạn ven sông Lu. Vụ đông-xuân năm nay, nông dân La Chữ chuyển dịch trên 144ha đất lúa sang trồng đậu xanh, dưa hấu, cỏ chăn nuôi gia súc. Riêng cánh đồng ven sông Lu có diện tích canh tác khoảng 25ha của trên 50 hộ dân do chưa có nguồn điện sản xuất, nên nông dân sử dụng máy nổ bơm tưới cho hoa màu, chi phí đầu tư cao.
Đồng chí La Văn Điểm, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hữu, cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn bà con chuyển dịch cây trồng cạn phù hợp thổ nhưỡng, cho thu nhập ổn định cuộc sống. Nhà máy nước Hữu Đức bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân và hệ thống ao hồ cung cấp đủ nước uống cho đàn gia súc trong những tháng khô hạn.
Sơn Ngọc