Vụ mía 2015-2016, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang ký kết với nông dân bao tiêu 2.531,5ha mía nguyên liệu. Hiện, có 237 nông hộ trồng từ 2ha trở lên. Tuy nhiên, trước tình hình hạn hán kéo dài, nhiều diện tích mía của bà con bị “khát” nước trầm trọng. Ông Phan Thanh Hiền, Trưởng phòng Nguyên liệu, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, cho biết: Điều quan trọng nhất của công ty lúc này là cùng nông dân ra sức ứng phó với hạn. Những năm trước, công ty đã đào 145 ao để có nước phục vụ sản xuất cho bà con, năm nay số ao cần phải đào thêm ít nhất là 60 ao.
Máy cày sâu trên 35cm làm đất cho nông dân xã Quảng Sơn.
Nhằm giải quyết “bài toán” chống hạn, công ty điều động máy múc đến hỗ trợ việc đào ao lấy nước cho hộ trồng mía. Nếu thuê máy của tư nhân, bà con sẽ mất 650 ngàn đồng/giờ. Tuy nhiên, với giá hỗ trợ, công ty chỉ thu 150 ngàn đồng/giờ để bù cho các khoản khấu hao máy móc và tiền nhân công lái máy. Số tiền này, hộ trồng mía không nhất thiết phải thanh toán ngay mà được công ty ghi nợ và thu hồi vào niên vụ 2016-2017. Các chi phí còn lại như tiền dầu, nhớt, người dân tự chi trả.
Từ đầu năm đến nay, tại khu vực trồng mía ở xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), công ty đã tiến hành đào 7 ao chứa nước cho nông dân. Lượng nước tại mỗi ao đạt từ 600m3-3.000m3, góp phần cung cấp nước tưới cứu hạn cho các ruộng mía. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ cày sâu, cày trở hai lần cho bà con, độ sâu đạt hơn 35cm, mức hỗ trợ là 4,8 triệu đồng/ha. Điều kiện để được hỗ trợ là nông dân phải bán mía cho công ty trong 3 vụ liên tiếp, năng suất mía phải đạt từ 50 tấn/ha trở lên. Nếu các hộ trồng mía không đạt 1 trong 2 điều kiện trên, công ty sẽ thu hồi số tiền hỗ trợ khi thu hoạch mía mùa vụ 2016-2017. Với những hộ trồng lại, công ty hỗ trợ 30% chi phí cày sâu. Hiện nay, giá cày sâu dao động từ 2,4 - 2,65 triệu đồng/ha. Tính ra, mỗi ha, nông dân được công ty hỗ trợ từ 750 - 800 ngàn đồng.
Vụ mía 2015-2016, ông Hoàng Dược (thôn La Vang 1, xã Quảng Sơn) có 1,5ha mía gốc và trồng mới 1ha. Thực tế cho thấy, việc cày sâu sẽ tăng khả năng chịu hạn cho cây mía, nên vụ mía năm nay, ông đăng ký với công ty áp dụng biện pháp này vào canh tác. Đồng thời, sẽ đăng ký với công ty để nạo vét mở rộng ao hồ, đảm bảo nguồn nước tưới cho ruộng mía. Hiện tại, khu vực trồng mía xã Quảng Sơn có hơn 150ha đất được cày sâu.
Để đảm bảo sản lượng, chữ đường (CCS), công ty ưu tiên thu mua những ruộng mía đang bị “cháy trời”. Đến nay, có 80% trong tổng số 500ha mía bị “cháy trời” đã được thu hoạch. Từ đầu tháng 3-2016, công ty thực hiện chính sách bảo hiểm 9 CCS. Và từ ngày 15- 3, công ty nâng mức hỗ trợ thu hoạch mía từ 40 ngàn đồng/tấn lên 60 ngàn đồng/tấn. Đến thời điểm này, có 65% diện tích mía toàn vùng nguyên liệu đã được thu hoạch. Số mía còn lại, công ty cam kết thu mua hết cho nông dân trước ngày 20-4.
Bằng những chính sách hỗ trợ đúng đắn, kịp thời từ Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, nông dân trồng mía phần nào giảm bớt được những tổn thất do thiên tai gây ra và có điều kiện tiếp tục đầu tư sản xuất cho vụ mía tiếp theo.
Ngọc Diệp