Xác lập niềm tin từ chất lượng phục vụ!

(NTO) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, qua đó góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Với ý nghĩa đó, có thể nói những năm gần đây, công tác BHXH và BHYT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là, chính sách BHXH, BHYT ngày càng được lan tỏa trong đời sống xã hội; đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác lãnh đạo, điều hành, xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các địa phương, đơn vị. Công tác quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT được tăng cường, đặc biệt các chính sách hỗ trợ BHYT cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn được triển khai kịp thời; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, BHYT được đẩy mạnh, góp phần đơn giản hóa thủ tục trong giải quyết chế độ cho người tham gia BHXH, BHYT. Điều cũng đáng quan tâm là chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được nâng lên, nhất là ở tuyến tỉnh, vừa góp phần giảm số lượng các trường hợp chuyển lên tuyến trên, vừa tạo niềm tin đối với người tham gia bảo hiểm.

 
Người dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT. Ảnh: Sơn Ngọc

Mặt khác, người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được tạo điều kiện thuận lợi để thụ hưởng chế độ và quyền lợi... theo quy định. Kết quả cho thấy, chỉ tính đến cuối năm 2015, số người tham gia BHXH, BHYT năm sau cao hơn năm trước; riêng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 73,45%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện vẫn còn nổi lên một số hạn chế như phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa đáp ứng được yêu cầu, có lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt diện bao phủ BHXH chỉ mới đạt 11,15%, thấp so với chỉ tiêu đề ra 23%. Tình trạng doanh nghiệp né tránh, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đáng lưu ý theo thống kê toàn tỉnh hiện còn đến trên 1.555 doanh nghiệp với gần 27.560 người lao động chưa tham gia BHXH, BHYT. Mặt khác, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại một số đơn vị y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính đối với đối tượng BHYT còn gây bức xúc, tạo nên tâm lý e ngại cho người dân khi tham gia…

Mục tiêu tỉnh ta đặt ra đến năm 2020 phấn đấu đạt trên 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; trên 35% lực lượng lao động tham gia BHTN và trên 80% dân số tham gia BHYT. Riêng trong năm 2016 này tiếp tục mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT để đạt tỷ lệ trên 72% dân số tham gia. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, vấn đề quan trọng là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là các luật và quy định mới về BHXH, BHYT đến các doanh nghiệp, đến từng địa bàn, đối tượng... để mọi người hiểu rõ được nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN; tạo môi trường thuận lợi, hiệu quả giữa cơ quan BHXH với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người tham gia các loại bảo hiểm theo quy định. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng khó khăn, người được hưởng các chính sách xã hội… Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là cần chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng BHYT, đầu tư cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, nhất là trạm y tế xã, phường; nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, tạo niềm tin trong Nhân dân nói chung, cho người tham gia BHYT nói riêng…