Có thể nói sự trùng hợp "ngẫu nhiên" giữa việc chọn chủ đề của ngày Nước Thế giới nói trên với thực tế hạn hán, hạn mặn tại nhiều địa phương, nhất là ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và Nam Trung Bộ-Tây Nguyên bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho hàng chục ngàn hộ dân phải điêu đứng vì ngưng sản xuất, cây trồng bị chết do thiếu nguồn nước ngọt, người dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt, thậm chí có nơi thiếu nước ngọt trầm trọng trong khi tứ bề là nước nhưng lại bị nhiễm mặn!. Và như vậy “bỗng dưng” hàng chục ngàn lao động phải thất nghiệp trên chính mảnh đất trồng trọt của gia đình. Đối với tỉnh ta, hạn đã chồng lên hạn do liên tục từ cuối năm 2014 đến nay nhiều địa phương không có nước để sản xuất.
Nhà nước đầu tư trên 17 tỉ đồng xây dựng Nhà máy nước Phước Trung (Bác Ái) đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân địa phương.
Ảnh: Sơn Ngọc
Với chủ trương “3 không”: Không để người dân thiếu ăn, thiếu nước uống và dịch bệnh được tỉnh ta triển khai quyết liệt. Đến nay, nước uống cho người dân ở những vùng “khô” nước về cơ bản đã được giải quyết bằng nhiều phương cách như chở nước đến cung cấp, lớn hơn là đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống nước tự chảy cung cấp cho người dân như ở Phước Trung (Bác Ái)… Nước cho đàn gia súc cũng được giải quyết rốt ráo bằng việc ưu tiên cung cấp tại các hồ chứa còn tích nước, hỗ trợ đào ao, khoan giếng... Trong số này, việc hỗ trợ đầu tư cho người dân tìm, tích nước của năm 2015 đã phát huy tác dụng trong những tháng đầu năm nay...
Tuy nhiên, những giải pháp nêu trên xem ra cũng chỉ mới mang tính cấp bách còn về lâu dài để khả dĩ “sống chung với hạn” cần có những giải pháp căn cơ, bài bản từ việc hoạch định chính sách, quy hoạch vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng… đến sự tích cực, chủ động tham gia của người dân tại những vùng thường xảy ra hạn hán. Qua phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cả cho các ngành sản xuất, trong đó có gần 90% liên quan đến nông dân đó là tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm, sử dụng lãng phí nguồn nước mặt với suy nghĩ chủ quan là không bao giờ thiếu nước của nhiều người. Mặt khác, cùng với phát triển kinh tế làm cho nhu cầu sử dụng nước ngọt tăng cao, không những vậy dân số phát triển cộng với đô thị hóa làm cho hệ thống “dự trữ” nước từ các ao, hồ vốn là nét văn hóa truyền thống của nông thôn, nhưng đồng thời vừa có chức năng điều hòa nhiệt độ: nước bốc hơi làm mát, mưa được tích trữ trở lại... đã mất hẳn cũng là nguyên nhân làm thiếu hụt nguồn nước...
Giải quyết nguồn nước để bảo đảm cho sản xuất, tạo nhiều việc làm góp phần bảo đảm an sinh xã hội... là mong muốn được đặt ra. Do vậy, đã đến lúc mọi người cần nhận thức đầy đủ về giá trị nguồn nước ngọt để khai thác, sử dụng tiết kiệm, đồng thời có phương án dự trữ hợp lý để sử dụng lâu dài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp và hạn hán khốc liệt hơn thì việc biết sử dụng nguồn nước một cách thông minh sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
TD