Nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết các bệnh viện tuyến huyện thiếu và yếu là nguyên nhân quan trọng gây khó khăn trong công tác chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên. Bác sỹ Lê Trọng Sanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Trên cả lĩnh vực nội khoa và ngoại khoa, việc chuyển giao kỹ thuật hết sức khó khăn. Đối với lĩnh vực nội khoa, việc chuyển giao chủ yếu là giúp các y, bác sĩ trau dồi chuyên môn, truyền kinh nghiệm chẩn đoán bệnh và hướng dẫn, đào tạo sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ để chẩn đoán đúng bệnh. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị, kê đơn thuốc phù hợp, điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, để đào tạo được bác sĩ đạt được chuyên môn tốt, đọc chuẩn kết quả chẩn đoán là việc làm không phải một sớm một chiều. Còn với lĩnh vực ngoại khoa, công việc lại phức tạp hơn nhiều vì ngoài đòi hỏi chẩn đoán đúng bệnh, việc điều trị còn phải thông qua phẫu thuật. Để thực hiện được một ca phẫu thuật đòi hỏi phải đào tạo cho cả một êkip ít nhất 5 người trở lên. Ngoài ra, phải có trang thiết bị, dụng cụ phẫu thuật phù hợp, đặc biệt yêu cầu bác sĩ đáp ứng tốt chuyên môn, tay nghề. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng tốt các yêu cầu.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Ninh Phước khám và điều trị cho bệnh nhân.Ảnh: V.M
Việc chuyển giao đã khó, điều đáng nói là sau khi được chuyển giao, vì lý do thiếu nhân lực, nhiều bệnh viện đã không thể duy trì thực hiện được các gói kỹ thuật, lãng phí cả về thời gian, công sức đào tạo, điển hình như tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Phước. Nhằm góp phần nâng cao trình độ, tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ, cũng như chất lượng khám, điều trị, năm 2009, Bệnh viện Đa khoa Ninh Phước cử 2 bác sĩ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm mổ bắt con tại Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Để giúp các bác sĩ được đào tạo phát huy năng lực chuyên môn, năm 2010, Bệnh biện Đa khoa tỉnh đã cử bác sĩ trực tiếp xuống cơ sở chuyển giao, đào tạo êkip mổ gồm 5 y, bác sĩ thực hiện gói kỹ thuật mổ bắt con… Với sự hỗ trợ của bác sỹ tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa Ninh Phước đã thực hiện được 10 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, đến năm 2012, một bác sỹ gây mê hồi sức của bệnh viện được luân chuyển về công tác nơi khác. Thiếu bác sỹ gây mê, không có người thay thế, từ đó đến nay, bệnh viện không thể thực hiện thêm bất cứ ca phẫu thuật nào.
Tương tự, năm 2010, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn cũng được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển giao thành công gói kỹ thuật mổ bắt con. Sau chuyển giao, bệnh viện đã tự phẫu thuật được 8 trường hợp. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, cũng vì lý do bác sĩ gây mê được luân chuyển công tác nên bệnh viện cũng không duy trì được thực hiện gói kỹ thuật này.
Bác sĩ Lê Trọng Sanh cho biết thêm, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tiến hành chuyển giao các gói kỹ thuật “Mổ hở ruột thừa” và “Phẫu thuật kết hợp xương đơn giản” cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn. Tuy nhiên, cần phải thêm một thời gian hướng dẫn, đào tạo êkip mổ của bệnh viện mới có thể tự thực hiện phẫu thuật và xử lý tốt các tình huống.
Để thực hiện tốt Đề án 1816, dự kiến từ nay đến cuối năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tổ chức khảo sát nhu cầu và tiến hành chuyển giao một số gói kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Ninh Phước. Tuy nhiên, để việc chuyển giao các gói kỹ thuật đạt hiệu quả cao, lâu dài, điều quan trọng nhất là các bệnh viện tuyến huyện cần được đầu tư, hoàn thiện cả về nhân lực, cơ sở vật chất, có thể tiếp nhận được nhiều gói kỹ thuật cao, phức tạp, qua đó từng bước nâng cao chất lượng, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và đáp ứng nhu cầu khám và điều trị của người dân ngay tại cơ sở.
Uyên Thu