Hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3)

Nước và việc làm

Ninh Thuận là vùng đất được bao bọc bởi 3 phía là núi và phía Đông giáp biển Đông cho nên địa hình, địa chất, khí hậu tại Ninh Thuận khác với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do đó, đây cũng là nơi chịu ảnh hưởng về thiên tai mà cả nước biết đến như: Nắng như “rang”, gió như “phang”; không những vậy, mùa lũ cũng diễn biến phức tạp, đỉnh lũ xảy ra bất ngờ, lũ lên nhanh và xuống cũng rất nhanh; mùa khô xuất hiện hạn hán kéo dài. Ninh Thuận có 8 tháng mùa khô và 4 tháng mùa mưa, mà lượng mưa phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, nên vấn đề giữ gìn, bảo vệ nguồn nước rất thiết thực, nhất là nguồn nước sạch.

Ninh Thuận chịu ảnh hưởng hiện tượng El-Nino từ tháng 12-2013 tiếp diễn năm 2014 và năm 2015, trong mùa khô không xuất hiện lũ tiểu mãn, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh (tương đương với đợt hạn hán năm 2005). Nhìn chung các khu vực trong tỉnh lượng mưa chỉ đạt 60-85% so với trung bình nhiều năm và có khả năng khô hạn kéo dài đến tháng 6-2016.

 
Ảnh minh họa.

Khô hạn xuất hiện bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa so với lượng mưa trung bình nhiều năm, trong điều kiện nhiệt độ không khí cao kéo dài làm suy kiệt độ ẩm trong đất. Đặc biệt hiện nay, do hoạt động phát triển kinh tế đã làm tăng đáng kể lượng chất thải, khí thải vào môi trường sống; việc chặt phá rừng bừa bãi làm kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, đất đai bị thoái hóa nghiêm trọng,… Tất cả những vấn đề đó đã góp phần làm cho khí hậu có chiều hướng biến đổi nóng lên trên phạm vi toàn cầu; hiện tượng khô hạn, sa mạc hóa ngày càng tăng và mở rộng.

Ở nước ta, hạn hán xảy ra hàng năm ở vùng này hay vùng khác, tuy mức độ và phạm vi khác nhau, song cũng đã gây nhiều thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp của cả khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Đã xuất hiện những quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hoá như cát bay, đá ong hóa hoặc xói mòn.

Để phòng chống hạn có hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do hạn gây ra cần phải thực hiện công tác theo dõi và dự báo hạn có hiệu quả. Cần xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV), kể cả trạm tự động để theo dõi, quan trắc tính toán cập nhật diễn biến của các yếu tố KTTV và phát hiện những biến động thất thường, đặc biệt là các dấu hiệu thiếu hụt lượng mưa trên từng khu vực.

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất và sinh hoạt, nhất là sản xuất nông nghiệp; tiết kiệm nước cần thực hiện về quy hoạch tưới tiêu hợp lý, đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển chọn các giống cây chịu hạn, xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu hợp lý như các đập, hồ chứa nước... để chủ động điều tiết nguồn nước. Xây dựng ý thức tiết kiệm nước trong sinh hoạt đời sống cho mọi thành viên trong xã hội.

Trồng rừng và bảo vệ rừng là gắn liền với công cuộc phòng, chống hạn nhờ tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến nhiều yếu tố cân bằng nước: giữ nước, hạn chế dòng chảy mặt, điều chỉnh dòng chảy của sông, hạn chế thoát hơi nước và tăng khả năng chứa nước ngầm của đất. Do vậy trồng rừng và bảo vệ rừng là rất quan trọng trong công tác phòng, chống hạn, đồng thời cũng là nơi có tác dụng giữ đất, chống xói mòn do tác động của dòng chảy và sóng biển. Rất cần thiết khôi phục và phát triển rừng ngập mặn nhằm phát triển bền vững và khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước.