Chị Tô Thị Mỹ Châu, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ninh Hải, cho biết: Đề án được triển khai tại 8 xã, thị trấn trong huyện, gồm các hoạt động chủ yếu như: Thành lập các đội dịch vụ lưu động tuyên truyền, triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ cho nhân dân vùng biển; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi bằng các hình thức họp nhóm, phát thanh và tư vấn trực tiếp tại các điểm cung cấp dịch vụ; tổ chức khảo sát thu thập các thông tin DS-KHHGĐ cùng một số thông tin đặc thù vùng biển để đưa vào quản lý... Thông qua đội ngũ 180 cộng tác viên (CTV) DS hoạt động năng nổ, nhiệt tình, đóng vai trò kết nối giữa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ với người dân.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Phương hải đang khám thai định kỳ cho phụ nữ.
Là một trong 8 xã thực hiện Đề án 52, những năm qua, Phương Hải luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ tại địa phương. Toàn xã có 3 thôn, với 2.235 chị em trong độ tuổi sinh đẻ. Với nghề nghiệp chủ yếu là nuôi trồng, đánh bắt hải sản nên đa số hộ dân địa phương muốn sinh nhiều con, đặc biệt là con trai để phụ giúp gia đình, nên tình trạng sinh con thứ 3 trở lên khá phổ biến. Trước tình hình đó, 14 CTV thường xuyên về cơ sở vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tổ chức sinh hoạt nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề, tư vấn SKSS/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của CLB “Không sinh con thứ 3”. Để nâng cao hiệu quả, CLB xây dựng nhiều nội dung phong phú để thu hút chị em tham gia, như: Chăm sóc SKSS, làm mẹ an toàn, nuôi con khỏe, tâm sự với con về giới, giúp nhau phát triển kinh tế… Chị Đỗ Thị Luôn, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã, cho biết: Thông qua các đợt tuyên truyền, vận động, ý thức của người dân trong việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được nâng lên. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể từ 19% (năm 2011) giảm còn 13,79% (năm 2015); tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai đạt 73%.
Bằng những cách làm hay, sáng tạo, sự nhiệt tình của CTV, đến nay, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến cuối năm 2015, huyện Ninh Hải có 18.863 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, trong đó 71% các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai (tăng 857 người so với cùng kỳ). Tỷ lệ phát triển DS tự nhiên giảm xuống 0,99% (giảm 0,1% so với cùng kỳ). Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã vận động được 4.347 người thực hiện KHHGĐ, trong đó các biện pháp khó thực hiện như triệt sản, đặt dụng cụ tử cung đều đạt tỷ lệ cao.
Chị Tô Thị Mỹ Châu cho biết thêm: Tuy có nhiều kết quả, nhưng công tác DS thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS còn thiếu, nhận thức của người dân vùng biển có chuyển biến nhưng chưa thực sự rõ nét, nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, đối tượng thụ hưởng hạn chế. Để nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ, thời gian tới, Trung tâm chú trọng đổi mới phương pháp truyền thông; đa dạng hoá các loại hình cung cấp dịch vụ, nâng cao trách nhiệm tư vấn sức khỏe, tăng cường tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, nhất là ở những vùng khó khăn, địa bàn có mức sinh cao và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tự nguyện thực hiện KHHGĐ bằng hình thức phù hợp, phấn đấu cuối năm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 còn 16%.
Mỹ Dung