Kết nối yêu thương

(NTO) Gia đình là tổ ấm thương yêu, môi trường đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách mỗi con người, có ý nghĩa quan trọng kiến tạo nên những tế bào khỏe mạnh cho xã hội. Từ những tế bào gia đình khỏe mạnh sẽ tạo nên cộng đồng văn minh, xã hội tiến bộ, hạnh phúc. Vậy nên, tạo dựng một xã hội hạnh phúc phải xuất phát từ hạt nhân gia đình. Và, để làm được điều đó, phát huy những nét đẹp vốn có trong truyền thống gia đình Việt Nam chính là cốt lõi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Gia đình, vì thế còn là nhân tố quyết định đến sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Gia đình luôn có sức ảnh hưởng, chi phối rất lớn đến tình cảm, ý thức của mỗi người. Một gia đình nền nếp, gương mẫu không chỉ là điểm tựa yêu thương để mỗi người trưởng thành với nhân cách cao đẹp, mà còn là những thiết chế văn hóa hạt nhân, những tế bào khỏe mạnh để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Nền nếp gia đình có thể xem là gia tài quý để chúng ta cùng nhau tạo dựng, gìn giữ... Chất keo kết nối yêu thương trong một gia đình hạnh phúc là tình yêu thương, quan tâm chăm sóc, sự chia sẻ, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và lòng vị tha, độ lượng. Trong đó, tình yêu thương là nền tảng quan trọng ban đầu cấu thành nền móng vững chắc của một gia đình hạnh phúc. Ngạn ngữ có câu “Hãy lấp đầy một ngôi nhà bằng tình yêu, nó sẽ trở thành gia đình”. Chính tình yêu chân thật, lòng thủy chung, son sắt của vợ chồng, tình cảm yêu thương vô bờ bến của bậc ông bà, cha mẹ đối với con cháu đã trở thành bài học đường đời đầu tiên giúp con cháu rèn luyện nhân cách, trở thành người công dân tốt, sống có hoài bão và có ích cho xã hội… Đồng thời, ông bà, cha mẹ hãy là tấm gương sáng về lao động, nhân cách… để con trẻ học tập và noi theo. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần tích cực học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lao động, sản xuất… vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, chăm lo việc học hành của con em trong độ tuổi đến trường, giúp trẻ có môi trường sống và học tập văn minh…

Xây dựng gia đình ổn định, tiến bộ, văn minh sẽ là yếu tố tiên quyết góp phần tạo nên những tế bào gia đình khỏe mạnh, từ đó tạo nên những mối liên kết tạo lập xã hội hạnh phúc. Muốn vậy, mỗi thành viên trong gia đình cần trở thành những hạt nhân “kết nối yêu thương” tạo ra tế bào gia đình khỏe mạnh. Mỗi gia đình cần phát huy nội lực, tiếp nối truyền thống văn hóa của những thế hệ đi trước trong việc định hướng con cháu sống có văn hóa, giữ gìn những nét đẹp truyền thống con người, gia đình Việt. Chung tay xây dựng những khu phố, xã, phường, khu dân cư văn hóa, phát huy vai trò nòng cốt của người cao tuổi trong mỗi gia đình để giáo dục thế hệ trẻ; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh, tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.