Cây mì Ninh Sơn tiêu thụ chậm, vì sao ?

(NTO) Niên vụ mì năm nay, nông dân huyện Ninh Sơn phải rất “vất vả” mới tiêu thụ được. Điều đáng nói, đây không phải là vụ đầu tiên người trồng mì rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” với cây trồng này.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, vụ mì năm 2015, tổng diện tích toàn huyện khoảng 2.300ha, giảm hơn 10% so với vụ trước. Tính đến thời điểm đầu tháng 3-2016, đã thu hoạch hơn 60% diện tích. Giá được phía nhà máy thu mua từ đầu vụ đến nay là 1.850 đồng/kg (mì đạt 30 chữ bột), đây là giá khá cao so với những năm trước. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch bình quân đạt thấp hơn các vụ trước, chỉ từ 17-20 tấn/ha, chất lượng bột cũng chỉ đạt từ 20-22 độ. Thêm vào đó, vấn đề khó khăn trong khâu tiêu thụ nên vụ mì năm nay, nông dân phần lớn bị thua lỗ.

 

Nông dân xã Quảng Sơn thu hoach mì cuối vụ 2015-2016.

Thực tế, từ giữa tháng 2-2016 đến nay, nhiều nông dân có diện tích mì đã qua tháng thu hoạch nhiều ngày nhưng vẫn chưa xin được phiếu bán cho nhà máy, còn người xin được phiếu bán thì sau khi thu hoạch phải chờ từ 3-5 ngày mới được Nhà máy Chế biến tinh bột mì đóng trên địa bàn huyện Ninh Sơn cân thu mua, dẫn đến tình trạng cây mì khô lá, củ giảm năng suất, độ bột... Hầu hết người trồng mì cho rằng nguyên nhân là do phía nhà máy gây khó khăn cho người dân, cố ý chậm thu mua, có lúc “giam” xe chở mì của người dân, gây thiệt hại cho bà con.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đắc Tiên, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột mì Facocev Ninh Sơn, cho biết: “Trước Tết Nguyên đán 2016, do máy móc bị hư nên việc thu mua mì của bà con có chậm lại, với sản lượng tương ứng khoảng 800 tấn. Tuy nhiên, sau tết, phía nhà máy đã khắc phục, sửa chữa máy móc và chỉ tập trung thu mua mì của nông dân trong tỉnh với công suất đạt 400 tấn/ngày, nhưng do lượng mì cần bán của nông dân rất lớn nên có thời điểm không thể thu mua kịp thời”. Ông Tiên phân trần: Những niên vụ trước, trên địa bàn huyện có một số cơ sở thu mua mì tươi sắt lát phơi khô, đến cao điểm mùa thu hoạch nông dân đem bán cho các cở sở đó với công suất thu mua gần gấp 2-3 lần của nhà máy/ngày, thì không có tình trạng này. Tuy nhiên, năm nay, giá mì khô rớt, các cơ sở sắt lát không thu mua nên bà con tập trung hết về bán cho nhà máy, số lượng rất lớn và liên tục nên nhà máy không thu mua kịp…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc trồng mì của nông dân trên địa bàn huyện Ninh Sơn chủ yếu là trồng tập trung, không trồng rải vụ. Trong đó, chủ yếu xuống giống vào tháng 4, tháng đầu mùa mưa. Việc trồng tập trung, không theo kế hoạch cụ thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản khi bước vào thu hoạch cao điểm, trong khi đầu ra của cây mì chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm. Khi các diện tích mì chín đại trà, với tâm lý lo sợ mì mất sản lượng, giảm chữ bột hoặc rớt giá, nông dân liền ồ ạt thu hoạch bán cho nhà máy hoặc các cơ sở thu mua mì sắt lát. Nếu các cở sở này không mở cửa thu mua thì dồn về hết cho nhà máy, dẫn đến tình trạng nhà máy quá tải, chậm thu mua là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề thu mua, ông Hồ Đắc Tiên khẳng định: Nếu những vùng chủ động nước trên địa bàn huyện người dân có thể triển khai trồng mì rải vụ theo kế hoạch sản xuất của nhà máy, thì phía nhà máy sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương các xã, ngành chức năng huyện để ký kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cả và kế hoạch thu mua hợp lý, đây cũng là giải pháp góp phần giảm áp lực thu mua cho nhà máy khi đến vụ cao điểm.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, cho biết: Mặc dù diện tích mì nằm trong vùng chủ động nước trên địa bàn huyện không nhiều, nhưng nếu nông dân chịu chuyển đổi thì tình trạng ùn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch chắc chắn sẽ giảm rất nhiều. Đồng thời, đầu ra cũng được phía nhà máy bao tiêu với giá cả hợp lý, không sợ bị tư thương ép giá khi vào thu hoạch rộ. Đây là giải pháp huyện đang hướng đến trong những niên vụ tới. Riêng trong niên vụ 2016, Phòng NN&PTNT huyện cũng đã đề xuất với chính quyền các xã có diện tích mì lớn, nằm trong vùng chủ động nước nên vận động nông dân chủ động chuyển sang canh tác mì theo hướng rải vụ để liên kết với nhà máy.

Có thể nói, giải pháp để góp phần làm “thông thoáng” việc tiêu thụ cây mì không phải không có. Thế nhưng, lâu nay tình trạng ùn ứ cây mì vẫn diễn ra khi vào mùa thu hoạch. Phải chăng, do nông dân và doanh nghiệp chưa cùng nhau ngồi lại để tìm sự liên kết trong sản xuất?