Thôn Suối Le (xã Phước Kháng, Thuận Bắc) là địa phương vùng cao rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, thôn được xây dựng 4 trạm bơm, giếng khoan, có nhà bảo quản, máy bơm nước, hệ thống điện, thủy đài chứa nước và hệ thống đường ống dẫn khắp thôn. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, toàn bộ các máy bơm nước đều không thể hoạt động. Trong khi đó, gần 90 hộ dân trong thôn vẫn luôn trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ông Chamaléa Bé, Bí thư Chi bộ thôn Suối Le, cho biết: Khi mới lắp đặt, người dân rất vui vì có đủ nước để dùng. Nhưng một thời gian ngắn thì máy bị cháy, không sử dụng được. Máy bơm có công suất lớn nhưng nguồn nước giếng khoan ít nên máy bị nóng, sử dụng một thời gian thì bị cháy mô-tơ. Ban Quản lý thôn đã báo lên xã rồi nhưng chưa thấy sửa.
Để chủ động ứng phó với tình hình khô hạn, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trạng, tình hình quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng các giếng chống hạn trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra 35 giếng khoan và 6 giếng đào tại các huyện, hiện chỉ có 6 giếng đào và 7 giếng khoan còn hoạt động được, còn lại đều trong tình trạng không sử dụng, do hư hỏng máy bơm, hư bồn chứa, van khóa và nắp bảo vệ miệng giếng… Đơn cử như huyện Bác Ái có 7/7 giếng khoan chống hạn đều không sử dụng được. Riêng thôn Tà Lú, xã Phước Đại có 3 giếng khoan, nhưng từ ngày xây dựng đến nay, các giếng khoan này không hoạt động. Một thời gian sau, địa phương đã đổ xi măng trùm kín miệng giếng. Hay tại xã Phước Tân có 1 giếng khoan đặt tại thôn Ma Ty nhưng không hoạt động vì máy bơm, cửa nhà trạm và nắp khóa của miệng giếng bị mất cắp, bồn chứa bị rỉ sét, hư hỏng. Hiện nay, người dân khu vực giếng (khoảng 60 hộ dân) phải đi lấy nước từ suối về để sử dụng.
Theo ông Tống Mỹ Cường, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường, một số giếng khoan và giếng đào chống hạn được đầu tư xây dựng từ lâu và hầu hết các khu vực có các giếng chống hạn đã có hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp nước sạch, do đó các địa phương ít quan tâm, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ không tốt nên đến nay, một số hạng mục của một số giếng khoan như: máy bơm, bồn chứa, nhà trạm, hệ thống điện… bị xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có giếng bị hư hỏng hoàn toàn, không sử dụng được. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tổ chức kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các giếng chống hạn và đề xuất hướng khắc phục, duy tu, bảo dưỡng các hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp của các giếng chống hạn để phục vụ cấp nước cho Nhân dân. Tuy nhiên qua kiểm tra, hầu hết các giếng chưa được khắc phục, duy tu, bảo dưỡng và số lượng giếng bị hư hỏng, không sử dụng được lại tăng lên. Mùa khô hạn 2015 vừa qua, nhiều hộ dân và địa phương có nhu cầu sử dụng nước của các giếng chống hạn tại xã Phước Tân, Phước Đại, Phước Trung (Bác Ái) nhưng các giếng khoan này đều thiếu thiết bị do máy bơm bị hỏng, không có bồn chứa nước, nên không hoạt động cấp nước được.
Trong tình hình khô hạn hiện nay, việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ các giếng chống hạn trên địa bàn tỉnh để phục vụ sinh hoạt là rất cần thiết, do vậy, các địa phương cần khẩn trương triển khai khắc phục, sửa chữa các giếng chống hạn bị hư hỏng thuộc địa bàn quản lý để đưa vào khai thác, sử dụng và phục vụ cấp nước cho người dân. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ; tuyên truyền, vận động các chủ hộ, chủ đất có đặt các giếng chống hạn và người dân khu vực các giếng chống hạn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng nhau quản lý, bảo vệ tốt và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước của các giếng chống hạn nêu trên.
Anh Tuấn