Theo báo cáo của Sở Công Thương, thực hiện Kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2011-2015 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các làng nghề; đời sống nhân dân làng nghề được nâng lên, hạ tầng giao thông thuận lợi, bộ mặt làng nghề đã có nhiều thay đổi. Các làng nghề có xu hướng phát triển nhanh cả về số lượng, loại hình và chất lượng hoạt động, góp phần phát triển nông thôn mới, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hỗ trợ phát triển làng nghề, Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung như về công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ các làng nghề đổi mới thiết bị công nghệ, tham gia hội chợ triển lãm, hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp làng nghề…, nhằm nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành, nghề thành làng nghề...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả hỗ trợ phát triển làng nghề và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trong giai đoạn tới, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp để tiếp tục hỗ trợ cho các làng nghề trong tỉnh phát triển bền vững; trong đó nghiên cứu phát triển những làng nghề có lợi thế gắn với du lịch. Đối với các địa phương cần chủ động lên kế hoạch sao cho phù hợp với địa phương mình; chú trọng công tác vệ sinh môi trường làng nghề để thực hiện tốt việc phát triển hoạt động sản xuất làng nghề gắn với du lịch. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề cần tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, đảm bảo sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả và phát triển ổn định.
Hoàng Trung