Chín triệu đồng để khoan cái giếng sâu 30m, nhưng thứ mà ông Nguyễn Thành Nhất (xã Nhơn Hải, Ninh Hải) nhận được là chỉ là những viên đá. Không có nước, giếng khoan coi như bỏ. Mất 9 triệu đồng nhưng ông Nhất vẫn quyết định khoan tiếp giếng thứ hai. Hy vọng của ông là có thể duy trì được đàn cừu, 4 sào hoa màu. Tuy nhiên, hy vọng chỉ dựa trên sự may rủi. Ông Nhất cho biết: Tôi khoan giếng này cũng đại khái thôi…, mình đâu biết chỗ nào có nước, chỗ nào không…, may thì gặp nước, còn không thì thôi, chứ biết sao!
Nông dân xã Nhơn Hải khoan giếng chống hạn.
Bảy sào nho của anh Nguyễn Tĩnh, xã Nhơn Hải, lúc này may mắn hơn người khác đó là khoan giếng có nước. Nhà anh hiện có tới 4 mũi khoan ở các địa điểm khác nhau. Tuy nhiên chỉ còn hai giếng có nước. Những tháng mùa hạn tới, nỗi lo vẫn hiện hữu và việc phải khoan thêm giếng là điều anh đã tính đến. Anh Tĩnh cho biết: Nước lúc này cũng có nhưng càng ngày càng yếu vì nhiều người hút quá, nếu tháng 9, 10 không có mưa thì coi như bỏ không…, chắc phải khoan thêm giếng khác sâu hơn!
Tại xã Nhơn Hải hiện có khoảng 750 giếng khoan các loại. Riêng khu vực lòng hồ Ông Kinh, từ khi tỉnh đầu tư đường điện thì con số giếng khoan lên đến vài trăm. Theo lãnh đạo xã, số lượng các giếng khoan thời điểm này vẫn tiếp tục tăng nhanh ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Mỗi nhà giờ có ít nhất 2-3 cái, nếu tiếp tục hạn thì họ còn khoan thêm, địa phương rất khó kiểm soát, nhưng trong lúc hạn thì đó cũng là điều mừng, vì người dân không ỷ lại.
Càng hạn thì những đường ống nối từ các giếng khoan dài hàng trăm mét xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng tâm hạn. Hiện chính quyền địa phương cũng khó có thể nắm được số lượng các giếng khoan là bao nhiêu, điều đáng nói là 40-50% trong số đó là người dân mất tiền khoan mà không có nước. Đã đến lúc các ngành chức năng phải có giải pháp đánh giá trữ lượng nước ngầm để có khuyến cáo cần thiết cho người dân nhằm hạn chế tình trạng “tiền mất, tật mang” như hiện nay.
Hoàng Trung