Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh…Có thể nói, đây là tin vui đối với người tiêu dùng nhưng cũng đồng thời càng xác định rõ hơn trách nhiệm đối với các ngành, địa phương liên quan, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng đồng bộ và đủ mạnh về hệ thống văn bản pháp luật đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Người dân lựa chọn mua sắm hàng tiêu dùng. Ảnh: Sơn Ngọc
Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế đất nước vai trò của người tiêu dùng được nâng lên đáng kể, bởi hơn ai hết họ mới là người quyết định sự “sống còn” của sản phẩm các doanh nghiệp làm ra. Tuy nhiên, trên thực tế quyền lợi của người tiêu dùng chưa thật sự được quan tâm bảo vệ kể cả thực thi theo pháp luật của cơ quan chức năng. Đã có không ít trường hợp người tiêu dùng bị “lừa”, bởi khi mua đã được người bán giới thiệu với bao lời hoa mỹ về chất lượng, công năng… nhưng khi mua về sử dụng mới “té ngửa” là… không phải vậy!. Hỏi người bán thì người bán “chối” đây đẩy và cho rằng tại hãng sản xuất giới thiệu…Thôi thì nếu “được vạ má cũng sưng” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Từ đó, mỗi người tiêu dùng tự “bảo vệ” mình bằng chính kiến thức tiêu dùng tự trang bị.
Để có thể xây dựng một môi trường tiêu dùng bền vững, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những đột phá và chung tay hành động mạnh mẽ hơn trong toàn hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội. Để đạt được các mục tiêu như đã đề ra tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ công bố Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15-3: “Một là, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, các bộ, ban, ngành địa phương tùy theo trách nhiệm được giao tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm minh, kịp thời, hiệu quả các vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Hai là phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp tục hoàn thiện về mô hình tổ chức từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương cụ thể hóa các chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động để hỗ trợ tích cực cho các tổ chức xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”…
Được biết, Bộ Công Thương đã chọn Chủ đề “Quyền được an toàn của người tiêu dùng” cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016. Đây là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định tại Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là “Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”. Tin rằng, bằng sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và ý thức của người tiêu dùng, năm 2016 này chủ đề Bộ Công thương đưa ra sẽ sớm thành hiện thực,
H.H