CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Tất cả những con mương đều cạn

(NTO) Tôi gốc quê, cái chất nông dân thấm sâu vào máu thịt, với suy nghĩ chân chất lúc nào cũng “vương vấn” triền đê, lũy tre, bến sông làng, những vườn cây trĩu quả, quanh năm xanh tươi râm mát và với những cánh đồng lúa mênh mông được bao quanh bằng hệ thống mương tưới tiêu chằng chịt… Chính cái “hồn” quê ấy đã tạo ra cho con người ta một tình cảm thiêng liêng, muôn đời gắn bó máu thịt, không gì chia sẻ hoặc bù đắp được!

Thuở nhỏ, ở quê lên trọ học nhà người thân trên phố, bên này sông là quê, sang sông là phố xá. Tuy cách làng chưa tới 3 cây số mà suốt cả tuần cứ nhớ quay quắt chốn quê, cứ trông cho đến ngày thứ bảy là hò reo, phấn khởi “tót” bộ về làng. Rồi suốt ngày chủ nhật cứ theo đám “trẻ trâu” đi khắp ngõ, hết đầu trên đến xóm dưới, hết chòi rẫy vườn tược, đến mương lúa câu cá đồng, cứ thế mà dần lớn theo ngày tháng! Thời đó, hễ làm ruộng thì phải… “khai” mương, quanh một cánh đồng rộng là hệ thống chằng chịt mương lớn, nhỏ bao quanh xanh mát biết bao, cũng vì thế mà tôm, cá nhiều lắm. Vừa quăng sợi cước, đầu có gắn tí trùng đất hoặc cái trứng kiến là động phao ngay, giật mạnh lên thế nào cũng “dính” em rô gai hoặc em cá trắng, cá tràu “mũm mĩm” vùng vẫy dưới dây câu. Mê lắm!

Đập Lâm Cấm thuộc phường Bảo An, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc

Lớn lên, lăn lộn với cuộc sống, tôi trở thành dân phố thị lúc nào không biết, nhưng trong nếp nghĩ, cách làm, tình cảm vẫn thấy phảng phất đâu đó “cái gốc rạ” Hai Lúa và miền ký ức tuổi thơ, con trẻ thỉnh thoảng lại hiện về. Cuối tuần, tôi thường rủ rê mấy đứa cháu vác cần đi về các vùng quê xưa để “săn bắt” sản vật của đồng quê. Tôi nhớ cách đây mươi, mười lăm năm, những con mương như kênh G2 từ Đô Vinh chảy qua Phước Mỹ, sau xuôi về Công Thành xuống Cầu Ngòi (Thành Hải), rồi đổ về Hò Rò, Dư Khánh…, hay mương Ông Cố từ cống “Ba họng” (Bảo An) xuôi về các phường nội thị rồi đổ về Tấn Tài, Mỹ Hải; hoặc hệ thống mương tưới tiêu Chà Là từ phía Tây thành phố êm trôi về các phường ngoại vi Đài Sơn, Thanh Sơn, Mỹ Bình, Mỹ Đông rồi hòa mình với sông Dinh ra biển… Nhiều, rất nhiều sản vật của miền quê thôn dã hào phóng, hầu như khó mà cạn kiệt (!?).

Rồi thì như một quy luật bất biến, khi đất nước phát triển thì kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị cũng phải vươn lên, phát triển ngang tầm để đảm đương tốt nhiệm vụ của nó. Và đến lúc mà quá trình phát triển đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh lên đỉnh điểm, lĩnh vực thương mại-dịch vụ và công nghiệp-xây dựng sẽ ở con số ngấp nghé 95% trong cơ cấu nền kinh tế thành phố với tương lai gần, thì kinh tế nông nghiệp và hệ thống kênh mương nội đồng như hiện nay là không thật sự cần thiết như xưa. Cách đây vài chiều, trời trong xanh mát, “chất” quê trỗi dậy, tôi vác cần dọc theo một vài chân ruộng xa xưa, mương bây giờ ít nước, có khúc khoe cả đáy… Sau Tết, đang là vụ đông-xuân, nhưng vì tình hình hạn hán kéo dài, nên các trà lúa không được xanh tốt. Mương thì… khô, người câu cũng vắng dần, chỉ có vài vị cao niên ngồi buông câu. Tôi nhìn đáy giỏ, vài con trắng, con rô to như… ngón tay út. Thấy lòng ngẩn ngơ tí chút!

Tự nhiên, tôi chợt nhớ về cuốn “All the rivers run” (Tất cả các dòng sông đều chảy) đã xem hồi… lâu lắc. Đây là một tiểu thuyết rất nổi tiếng của Fotheringham Nancy Cato, nữ văn sĩ người Úc, đã được dựng thành bộ phim truyền hình dài tập vào năm 1983. Trong phim này, không đơn thuần chỉ là chuyện kể về đời riêng của những con người, những số phận, mà ở đó chứa đựng những suy nghĩ rộng hơn, bao quát hơn và mang chất triết lý về cuộc sống ngày càng đi lên không ngừng. Dù đời người như những dòng sông, con nước có khi đầy, lúc vơi như cuộc sống buộc phải hòa tan với thời gian, vẫn luôn luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi thay, mãi mãi biến chuyển tích cực hơn, hoàn hảo hơn như quy luật của muôn đời vẫn thế. Sẽ không bao giờ có kết thúc, vì nơi tận cùng cũng chính là nơi khơi nguồn, khởi đầu cho sức sống mới. Do vậy, các con mương trong ký ức xưa xa dẫu có cạn khô thì cũng không là vấn đề phải bận tâm. Quá đúng luôn các bạn nhỉ!