Chuyện "những người xuất sắc"

(NTO) Này, bà dân văn chương có biết “thực tế ảo” là gì không vậy? Tôi hỏi cô bạn, giáo viên Ngữ văn. Đang mải suy nghĩ gì đó, cô xua tay: Đã thực lại còn ảo, ông có mơ không đấy! Chẳng là, nghe cơ quan tôi tháng vừa rồi xếp loại có 100% cá nhân đạt xuất sắc, bà xã tôi phán: Thực tế ảo, chuyện lạ đó đây! Ừ mà sao những người xuất sắc nhiều thế? Cô ngạc nhiên rồi lấp lửng: Chắc tui phải đến cơ quan ông nghiên cứu học tập để còn đạt xuất sắc!?

Biết cô bạn chỉ nói cho vui nhưng sao tôi vẫn áy náy. Thế rồi chẳng hỏi mà khai, tôi thành thật chia sẻ chuyện bình xét phân loại cá nhân xuất sắc cơ quan mình. Bà biết đấy, chúng ta ai cũng thích khen. Thử hỏi nếu ngày 8 tháng 3, ông xã bà hứa “anh sẽ tặng cho màn hình phẳng của mình…” thì có trời mới biết sau đó chuyện gì xảy ra. Hay đấy, chắc thế gian này chỉ có bà xã cậu mới chịu được cái kiểu nói móc, đá xoáy xem thường phụ nữ của ông. Gãi đúng chỗ ngứa, tôi thừa cơ xốc tới: Thấy chưa, thử chê một chút là cứ như đỉa phải vôi. Cái nút thắt là ở chỗ đó, lâu nay chúng ta cứ qua loa đại khái, bình xét cuối năm có cơ quan nào lại không một trăm phần trăm lao động tiên tiến. Cũng chỉ tại kiểu suy nghĩ “vui cả làng” xem tiền thưởng như lương tháng mười ba. Nay đã có tiêu chuẩn mới về đánh giá phân loại kết quả công tác cá nhân nhưng tư tưởng ngại đụng chạm vẫn còn. Năm vừa qua, phòng mình có cô nhân viên vốn giỏi chat, lên Facebook, Zalo…, việc gì giao cũng nhận nhưng chẳng việc nào hoàn thành. Cơ quan quy định nếu xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ thì đưa vào khu vực chờ “tinh giản”. Khổ nỗi, nếu phòng có cá nhân yếu kém thì lãnh đạo liên đới trách nhiệm, đó là chưa kể cô ta là con của bạn sếp. Công việc giao, cô nhân viên không hoàn thành, lúc thì trưởng phòng trực tiếp làm thay, lúc chuyển cho người khác. Họp bình xét phân loại năm công tác, khó khăn lắm tập thể mới thống nhất xếp cô “hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực”. Thế rồi cô ấy phản ứng gay gắt và… bà biết gì không? Ông kể tiếp đi sao lại hỏi tôi? Trưởng phòng được sếp nhắc nhở lỗi “không giao nhiệm vụ” cho cô ấy và yêu cầu nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thế là may mắn đấy, ở trường học của tôi thì chuyển ngay làm nhân viên thư viện! Đấy là chuyện bình xét xếp loại cá nhân năm công tác, còn việc xếp loại theo tháng mà vừa nghỉ tết xong, đầu năm mới đang vui vẻ, ai cũng mong một năm đầy may mắn nên cơ quan có một trăm phần trăm cá nhân xuất sắc thì có gì đâu mà "sư tử" nhà mình nó phê “thực tế ảo”.

Ngẫm câu chuyện trên cũng có lý và sẽ không ít cơ quan, đơn vị đầu năm mới sếp “lì xì” cá nhân xuất sắc. Điều nghịch lý là tỷ lệ người đạt xuất sắc trong các cơ quan hàng năm chiếm khá cao, có cơ quan đạt tuyệt đối, nhưng ngược lại thì chất lượng công tác chỉ bình bình, đôi khi trì trệ. Chuyện cơ quan mọi người đều được đánh giá là xuất sắc chẳng khác gì “dàn hàng ngang mà tiến”. Nếu đúng như vậy thì chẳng bao lâu nữa chúng ta toàn “những người xuất sắc”!? Việc tinh giản những cá nhân yếu kém về phẩm chất, năng lực trong mỗi tổ chức, cơ quan sẽ hết sức khó khăn. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm của ngành Nội vụ toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Tổng kết cả nước chỉ có 0,46% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu quả thực chất lượng cán bộ đúng như con số này thì mừng lắm, nhưng rõ ràng Nhân dân chưa hài lòng và chưa tin vào con số này...”. Về phần mình, Thủ tướng bày tỏ: “Có 4 mức: Xuất sắc, tốt, hoàn thành, không hoàn thành”, tôi chỉ nhận mức hoàn thành thôi. Người đứng đầu Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong chỉ đạo điều hành đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, nâng vị thế đất nước ta trong thời hội nhập toàn cầu nhưng bản thân ông chỉ nhận mức hoàn thành. Đó là phẩm chất cao quý để mỗi chúng ta học và làm theo trong việc tự đánh giá xếp loại chính mình. Đừng chạy theo thành tích “ảo”, cái mà mình chưa đạt để rồi tự "lấy đá ghè chân mình"