Hỏi chuyện mới biết cụ sinh được ba trai, ba gái đều đã có gia đình riêng, cháu nội, cháu ngoại đủ cả. Cụ nói rằng vốn sinh ra ở miền Trung du nghèo khổ, lớn lên thời chiến tranh thiếu thốn đủ bề. Nhờ trời, các con đều trưởng thành, đứa đi lao động hợp tác nước ngoài (thời Xô Viết), đứa học lên đại học, đứa buôn bán…, chỉ có đứa út thiếu may mắn ngọng nghịu học hành không đến nơi, đến chốn. Con đứa nào mẹ cũng thương nhưng dành nhiều nhất cho đứa út. Được cha mẹ, anh chị quan tâm, út lười học, ham chơi, dần dà “lậm” vào cờ bạc. Cha mẹ, anh chị em giúp tiền làm ăn nhưng rồi chưa được vài tháng lại “ngựa quen đường cũ”. Sau này, gia đình thường xuyên khuyên ngăn, chính quyền giúp đỡ, giờ nó đã chịu khó làm ăn, có chồng, con nhưng cũng phải chú ý nhắc nhở, trông chừng. Con út nghèo nhưng thường qua lại thăm mẹ, lúc cho trái chuối, cái bánh bao... Anh con lớn của mẹ có gia đình riêng định cư ở nước ngoài. Lâu lâu vợ chồng, con cái chúng điện thoại về thăm, gửi cho mẹ mấy trăm Ê-ro (đồng tiền chung châu Âu). Cả đời cụ chỉ mong sao chúng nó có của ăn, của để, con cháu mạnh khỏe, học hành nên người. Thấy cụ chỉ có một mình, tôi hỏi: Con, cháu ở chăm sóc cụ đi đâu rồi? Cụ thủng thẳng: Chúng bận việc cơ quan, chuyện làm ăn tối mới đến. Thế ăn uống cụ ai lo? Cụ chỉ: Nhờ cô hộ lý mua giùm, bệnh viện có căn tin bán đủ cả. Có lẽ cụ không muốn phiền con, phiền cháu, chợt nghĩ vậy nhưng sao tim tôi nhói đau!!!
Ảnh minh họa.
Tiếp chuyện bà cụ nằm viện tôi nhớ đến cụ bà cùng khu phố. Cụ nay tròn tám mươi tuổi. Cái tuổi mà người đời nói, sức khỏe “như ngọn đèn dầu”, chỉ cần ngọn gió thoảng qua là có chuyện! Vậy mà cụ ở một mình trong căn nhà cấp bốn trống trải, không ai chăm lo sớm khuya. Cụ có cô con gái có chồng, con, ngày ngày đi làm ngang qua đường lộ cách nhà mẹ chỉ hơn trăm mét. Nhưng không hiểu sao năm thì - mười hoạ bà con khu phố mới thấy cô ghé thăm cụ mươi phút. Chỉ khi tết đến, xuân về mới ghé thăm chúc tết mẹ mình được vài giờ. Con cái cô, đứa đi làm ăn xa, đứa làm việc ở doanh nghiệp cùng thành phố nhưng cũng chẳng thấy chúng ghé thăm bà. Hỏi chuyện, cụ nói rằng chúng khổ lắm, bận công việc tối ngày, cầu mong sao chúng làm ăn giỏi, bớt khổ. Không biết cụ nghĩ sao, gia đình cô con gái cụ có nhà xây kiên cố, vợ chồng các con đều có việc làm ổn định nhưng vẫn lo chúng nó “khổ”. Thế mới biết tấm lòng người mẹ thật bao la!
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 năm 2016 đang đến gần. Trên các trang mạng có biết bao nhiêu bài viết, lời chúc ngọt ngào gửi đến “một nửa thế giới”. Các dịch vụ làm đẹp, quà tặng, hàng hóa, hoa tươi phục vụ nhu cầu ngày này nở rộ như hoa mùa xuân. Và sẽ có biết bao nhiêu mẹ, các chị, các cô… được người thân, bạn bè, đồng nghiệp tặng hoa, quà trong ngày 8 tháng 3 - ngày hội tôn vinh phụ nữ trên toàn thế giới. Trong ngày hội mang tầm quốc tế thì ở đâu đó trong mỗi gia đình, địa phương… vẫn còn những khoảng lặng như câu hỏi của cụ: 8 tháng 3 là ngày gì hở chú? Ai đó nếu mở cuộc điều tra xã hội học sẽ thấy, có không ít bà mẹ, các chị, các cô chưa hoặc không có ngày 8 tháng 3.
Làm sao và như thế nào để mỗi người phụ nữ, nhất là các bà mẹ đều có ngày 8 tháng 3, được tôn vinh, yêu thương, chăm sóc. Đó là câu hỏi dành cho nửa còn lại kia-những người chồng, người con, người cháu và rộng hơn là toàn xã hội.
Thanh Tâm