CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Được và chưa được!

(NTO) Tỉnh ta hiện đang tiếp tục phải “gánh chịu” đợt hạn mà theo dự báo khả năng sẽ khốc liệt hơn so với năm 2015. Và điều dễ nhận thấy là trong những ngày gay gắt nắng thì “mảng xanh” của cây trở nên rất giá trị, không những làm dịu mát mà từ bộ rễ còn “tích tụ” trong lòng đất mạch ngầm của nguồn nước...Cây xanh còn là lá phổi sống góp phần làm thanh sạch môi trường. Những năm qua phong trào Tết trồng cây đã trở thành nét văn hóa đặc sắc ở hầu khắp các địa phương. Ngoài việc phát động trồng cây ở các khu vui chơi giải trí công cộng như công viên, vườn hoa... tại các trục đường chính ở các thị trấn, thị tứ... cây xanh cũng được trồng vừa tạo cảnh quan, vừa “che nắng, chắn gió” trong tương lai. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng đã hưởng ứng phong trào mỗi nhà trồng và chăm sóc một cây xanh, đã và đang tạo “hiệu ứng” tốt trong xã hội. Đó là mặt được.

Người dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) trồng, chăm sóc cây xanh. Ảnh: Văn Miên

Mặt chưa được phải đề cập tới đó là rác thải tràn lan ở nhiều khu dân cư. Hình ảnh thường thấy là dọc các tuyến đường nông thôn, các điểm đất trống nơi công cộng, nhiều tuyến phố... đây đó đều “xuất hiện” hình ảnh của rác. Tại một số khu di tích, du lịch, làng nghề rác cũng luôn “hiện diện”!. Đáng nói là nhiều địa phương trong tỉnh, cùng với “đặc sản” của nắng là gió. Vậy nên rác nhất là các bao bị nylon vứt bừa bãi đã trở thành “đối tượng” để gió cuốn bay lung tung hoặc tấp vào người đi đường, nhà dân... cũng như bất kể nơi nào có thể…Thực ra, tại các khu dân cư chính quyền địa phương đều thành lập đội vệ sinh thu gom rác thải dân cư nhưng do một số hộ dân không tham gia mà dẫn đến tình trạng trên.

Suy ra, tất cả cũng đều xuất phát từ ý thức của người dân. Nếu có ý thức thì mọi việc đều trở nên suôn sẻ và bằng không thì ngược lại. Ngay như việc trồng cây, cũng có người thay vì chăm sóc, bảo vệ thì không những thờ ơ, thậm chí còn “tiện tay” bẻ ngọn hay dửng dưng để gia súc cắn phá vì xem đó không phải là việc của mình!... Vấn đề rác thải cũng không kém gì hơn. Cho nên, cần gắn tuyên truyền, vận động với chế tài xử phạt để tạo “thói quen” chấp hành, tránh những chuyện khôi hài xảy ra như nơi nào cắm bảng cấm thì cứ y như rằng kết quả trái ngược lại. Không đâu xa, ngay chính địa phương mình đang sống, nơi nào có cắm bảng “Cấm đổ rác” thì nơi đó…xung quanh sẽ bị rác bao vây!.