(NTO) Ðạo đức nghề y, hay còn gọi là y đức đối với người làm nghề y. Đây không phải là một quy chuẩn của luật pháp, hay nghĩa vụ pháp lý, mà được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Mặt khác, đó cũng là quy tắc, là chuẩn mực của ngành Y, là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp, để thầy thuốc tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, tiến bộ ngành Y với mong muốn đem lại sức khỏe và sự an lành cho con người. Trong bức thư gửi cho cán bộ ngành Y tế ngày 27-2-1955 của Bác Hồ kính yêu có đoạn: "Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật, và giữ sức khoẻ của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng" .
Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tâm cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Trung
Thực hiện lời dạy của Bác, điều đáng mừng là trong những năm qua dù đời sống còn gặp khó khăn nhưng đa số những người làm nghề y vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Đối với họ việc nâng cao y đức trước tiên là việc nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ nghiên cứu, chẩn đoán, làm chủ trang thiết bị hiện đại để có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, biện pháp điều trị và cách điều trị. Cùng với đó là việc nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tuỵ với người bệnh. Điều này còn xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của những người thầy thuốc luôn hành động vì tình người…
Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng mặt trái của cơ chế thị trường tác động không nhỏ đến thái độ phục vụ của một bộ phận những người làm nghề y, đặc biệt là thái độ đối với những bệnh nhân nghèo. Hay nói khác hơn, sự kính trọng vốn có của xã hội với những người thầy thuốc không hề thay đổi, nhưng quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc trong cơ chế thị trường cũng đã có những chuyển đổi nhất định. Khi đồng tiền được xen vào giữa quan hệ thầy thuốc và người bệnh, điều phối những khó khăn trong đời sống của họ…đã tác động không ít đến tinh thần, thái độ phục vụ đối với người bệnh... Điều này làm đau lòng và tổn hại đến danh dự của bất cứ ai đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp cao quý này, bởi với họ, không có đức thì không thể làm nghề y.
Trong bối cảnh ngành Y tế đang đẩy mạnh xã hội hoá hiện nay, nhiều thách thức mới cũng đang đặt ra với những người làm công tác y tế. Xã hội luôn đòi hỏi người thầy thuốc phải có những phẩm chất đặc biệt. Do vậy, để nâng cao y đức, không thể hô hào chung chung mà phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về y đức và đề ra các biện pháp khắc phục. Suy cho cùng, Nhà nước cần quan tâm cải thiện và đảm bảo đời sống vật chất người làm công tác y tế, hay nói khác hơn đó là cần quan tâm đúng mức đến việc trả công một cách tương xứng với giá trị sức lao động, kết quả lao động theo đặc thù nghề nghiệp ngành y. Mặt khác, mỗi người làn công tác y tế cũng phải tự trau dồi đạo đức của mình để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Bác Hồ đã dạy: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
TD