KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2016)

Hướng đến sự hài lòng, niềm tin của người bệnh- vì sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân

(NTO) Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2016), tôn vinh “những chiến sĩ thầm lặng hết lòng vì người bệnh”, Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế về những kết quả đạt được cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân.

Đồng chí Lê Minh Định
Giám đốc Sở Y tế

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của ngành Y tế tỉnh nhà thời gian qua, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân?

Đồng chí Lê Minh Định: Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác y tế, sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân ngày càng được quan tâm đẩy mạnh. Những năm qua, ngành Y tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, thực hiện các giải pháp tăng cường y tế cơ sở, đồng thời phát triển kỹ thuật cao tại tuyến tỉnh, qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Đến năm 2015, ngành đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015, cụ thể: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,4 (chỉ tiêu giao 7, năm 2010 chỉ đạt 5,6); 60% trạm y tế có bác sĩ làm việc (năm 2010 chỉ có 35,4%); 70,8% xã/phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế (năm 2010 chỉ có 60%); tỷ lệ BHYT toàn dân từ 44,7% năm 2010 tăng lên 73,45%. Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn và phát triển.

Công tác y tế dự phòng có nhiều bước tiến quan trọng. Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm. Bệnh bại liệt đã được thanh toán triệt để; uốn ván sơ sinh được loại trừ; dịch tả 25 năm nay không quay trở lại; thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, quai bị đã được khống chế, không để xảy ra dịch lớn. Giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến lĩnh vực y tế như: Tỷ lệ tử vong mẹ chỉ còn 16/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống đã giảm từ dưới 20 trường hợp năm 2010 xuống còn dưới 10 trường hợp vào năm 2015; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm từ dưới 25 trường hợp năm 2010 xuống còn dưới 15 trường hợp năm 2015; tỷ lệ suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) giảm từ 23,5% năm 2010 xuống còn 18%… Điều đáng phấn khởi nữa đó là, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỉnh ta đã được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong năm 2015…

Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Được sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên thông qua Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh… đã giúp đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh có cơ hội được đào tạo, đào tạo lại về chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tự thực hiện được 247 kỹ thuật tuyến Trung ương. Đặc biệt trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình giảm được 70% số trường hợp phải chuyển viện. Từ năm 2013, các bệnh viện đã áp dụng tiêu chí Cải tiến chất lượng của Bộ Y tế. Nhiều hoạt động được lượng hóa theo từng tiêu chí, từ đó đánh giá một cách chân thực, hiệu quả chất lượng của các bệnh viện, trên cơ sở đó giúp các bệnh viện nhìn nhận lại chính mình, khắc phục những hạn chế, từng bước đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác khám và điều trị.

Phóng viên: Trong năm 2016, ngành Y tế đề ra giải pháp gì để nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra?

Đồng chí Lê Minh Định: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, đó là: “Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện hạng I vào năm 2020”. Để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đó, năm 2016, ngành đã đề ra một số giải pháp và mục tiêu quan trọng cần tập trung thực hiện. Trước tiên, ngành tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức. Phấn đấu đến cuối năm có 72% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đồng thời, lập dự án, đầu tư xây mới một số cơ sở như: Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Y dược cổ truyền; nâng cấp mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nâng cấp Trung tâm Chuyên khoa Mắt... Bên cạnh đó, tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn cho cán bộ các tuyến thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, các dự án do các tổ chức tài trợ; đào tạo chuyên khoa sâu và sau đại học cho tuyến tỉnh, trong đó ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa II cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Trung cấp Y tế; đào tạo bác sĩ đa khoa cho tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm nền tảng vững chắc chuẩn bị cho bước phát triển những năm tiếp theo.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh, khống chế không để xảy ra dịch lớn; tích cực tầm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, trong đó tập trung phát triển kỹ thuật cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở tất cả các tuyến; duy trì hoạt động phục hồi chức năng trong cộng đồng, chú ý phục hồi chức năng sớm trong thời gian nằm viện. Tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí của Bộ Y tế. Tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành phải tạo bước đột phá theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh…

Phóng viên: Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí có thông điệp gì gửi đến toàn thể cán bộ, viên chức ngành Y tế tỉnh nhà?

Đồng chí Lê Minh Định: Thay mặt lãnh đạo Sở Y tế, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; cảm ơn sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời ghi nhận công sức đóng góp của cán bộ, viên chức trong toàn ngành đã góp phần xây dựng ngành Y tế tỉnh nhà không ngừng phát triển trong thời gian qua. Tôi mong rằng thời gian tới, toàn thể cán bộ, viên chức ngành Y tế tiếp tục đoàn kết, thi đua, tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, phát huy tư duy sáng tạo, nghiên cứu khoa học để có nhiều phương pháp cải tiến kỹ thuật mới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Và đặc biệt phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt 12 điều y đức, quy tắc ứng xử, chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ…, tất cả vì mục tiêu hướng đến sự hài lòng, niềm tin của người bệnh, xứng đáng là những thầy thuốc “Lương y như từ mẫu”, cống hiến cho sự nghiệp chăm lo sức khỏe Nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!