Vấn đề hôm nay:

Để có tết an toàn, khó thay!

(NTO) Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh ta khi kiểm tra hoạt động kinh doanh thịt bò của một hộ gia đình ( thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu, Ninh Phước), đã phát hiện trên 120 kg xương, thịt, nội tạng và da bò đã mốc xanh, một số chuyển sang màu đen, bốc mùi nồng nặc…, nếu nói theo cách nói dân gian thì dù có “bỏ cho chó, chó cũng chê!”. Không những vậy, ngay khâu bảo quản thịt bò cũng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng nói là, theo chủ hộ kinh doanh này, toàn bộ số thịt trên được bán tại một số chợ và quán nhậu trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, vụ việc này đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thực phẩm mất an toàn vệ sinh lưu hành trong tỉnh, nhất là các quán ăn, nhậu bình dân ở lề đường, vỉa hè… góp phần “đầu độc” người sử dụng.

Người tiêu dùng lựa chọn mua mứt tết tại các cơ sở cung cấp hàng hóa có uy tín. Ảnh: Sơn Ngọc

Đây là hệ lụy về sự tổn hại lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng, trong đó hàng đầu vẫn là bệnh ung thư, tạo gánh nặng về kinh tế gia đình và áp lực cho an sinh xã hội địa phương…

Gần như đã trở thành thông lệ, bước vào thời điểm giáp tết, thị trường thực phẩm trở nên sôi động với đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân ở các vùng, miền trong tỉnh. Thôi thì hàng chất lượng cao…ngất ngưỡng- theo đúng nghĩa- phù hợp với túi tiền của người có thu nhập cao cũng có, hàng thuộc diện “làng nhàng” dành cho người thu nhập thấp cũng không thiếu. Cùng với các loại thịt gia súc, gia cầm từ trong nước đến nhập khẩu là vô số mặt hàng thực phẩm khác như bánh kẹo, đường sữa, rượu bia, nước giải khát, mứt tết... trong số này có không ít mặt hàng nguồn gốc mập mờ, tẩm ướp hóa chất độc hại… được bày bán tràn lan trên thị trường. Đó là chưa đề cập đến các sản phẩm nem, chả (thịt, cá) hiện chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lý của cơ quan chức năng; bánh chưng, bánh tét… được nấu trong nồi có chứa lõi pin để mau chín!. Do vậy, quan niệm “tiền nào của đó” nay chưa hẳn đúng hoàn toàn, bởi lẽ hàng nhái, hàng giả, hàng kém phẩm chất luôn song hành với hàng thật, chất lượng… Thôi thì “muôn hình vạn trạng”, nếu không tinh ý sẽ “dính bẫy” của người cố tình bán, làm cho không ít người tiêu dùng lo lắng về nguy cơ ngộ độc, dịch bệnh lây truyền qua đường ăn uống...

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân thực sự yên tâm khi mua thực phẩm bảo đảm an toàn trong dịp Tết Bính Thân 2016?. Được biết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương an toàn thực phẩm vừa qua đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể để phục vụ nhân dân đón tết, vui xuân an toàn và bảo đảm sức khỏe... Theo đó, các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã, phường sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều như: rượu, bia, nước giải khát, thịt, bánh kẹo... và các chợ đầu mối, siêu thị, làng nghề chế biến thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện cơ sở nào không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ rút giấy phép hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở đó cung cấp thực phẩm không an toàn cho người tiêu dùng…

Suy cho cùng, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải quyết liệt và trách nhiệm hơn trong công tác quản lý cũng như xử lý thật nghiêm mọi trường hợp, hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, ngay mỗi người tiêu dùng không chỉ biết chọn mua và sử dụng thực phẩm an toàn mà còn phải cộng tác tích cực với cơ quan chức năng để tố giác, phản ánh mọi hành vi kinh doanh, vận chuyển hay sản xuất thực phẩm không an toàn. Một khi mỗi người dân đã xem việc tham gia phòng, chống thực phẩm không an toàn là trách nhiệm và nghĩa vụ thì kiểu làm ăn gian dối sẽ không còn đất sống. Hy vọng là vậy!.