Để có được kết quả này, những năm qua, tỉnh ta đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế bảo đảm công tác khám, phát hiện bệnh nhân mới, quản lý, điều trị và chăm sóc các bệnh về mắt. Hiện hệ thống nhân lực chăm sóc mắt được bố trí đều từ tuyến tỉnh đến cơ sở, trong đó có 12 bác sĩ, 37 y sĩ, điều dưỡng, 65 cán bộ y tế tại các trạm và 548 nhân viên y tế thôn, khu phố. Bác sĩ Phạm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Chuyên khoa Mắt, Phó ban Chỉ đạo Phòng chống mù lòa tỉnh, cho biết: Hiện tại, Trung tâm Y tế của 4 huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc đã thành lập được Phòng khám mắt với trang thiết bị khá đầy đủ và hiện đại như đèn khe khám mắt, hộp kính, bộ trung phẫu, tiểu phẫu, đèn soi đáy mắt, nhãn áp kế schiotz... Mỗi huyện đều có 1 bác sĩ, 1 y sĩ phụ trách. Riêng với 2 huyện Ninh Sơn, Bác Ái, mặc dù chưa có bác sĩ chuyên khoa nhưng đội ngũ y sĩ, nhân viên y tế các trạm đều được đào tạo bài bản về chuyên môn và trang bị các trang thiết bị cần thiết, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu khám, chăm sóc mắt ban đầu cho nhân dân ở địa phương.
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị lé,sụp mi tại trng tâm chuyên khoa mắt tỉnh.
Để kịp thời phát hiện bệnh nhân mới trong cộng đồng, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho Nhân dân về phòng, chống các bệnh về mắt, mạng lưới chăm sóc mắt các tuyến thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh lưu động cho người dân ngay tại các thôn, khu phố, trường học... Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã khám mắt tại chỗ cho trên 64.000 lượt người dân; khám điều tra khúc xạ, nhãn nhi 177 lượt trường học cho hàng chục ngàn lượt học sinh; cấp phát miễn phí hơn 1.300 đôi kính cho các em bị tật khúc xạ có hoàn cảnh khó khăn... Sau khi khám, nếu được chẩn đoán xác định có bệnh về mắt, bệnh nhân được tư vấn điều trị, riêng các bệnh nhân mắc các bệnh có thể dẫn đến mù lòa như đục thủy tinh thể, mộng thịt, quặm có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng chi trả sẽ được phẫu thuật miễn phí. 4 năm qua, Trung tâm Chuyên khoa Mắt đã khám tầm soát cho trên khoảng 86.000 lượt người bị bệnh đục thủy tinh thể, trong đó đã phẫu thuật Phaco cho trên 5.400 bệnh nhân; kết quả thị lực bệnh nhân sau xuất viện đạt trên 3/10 là 75,5%; phẫu thuật mộng thịt cho gần 800 bệnh nhân; điều trị bệnh quặm mắt cho hơn 700 bệnh nhân... Ngoài các trường hợp được Trung tâm điều trị, còn có nhiều chương trình phẫu thuật mắt từ thiện của các tổ chức y tế... qua đó đóng góp tích cực cho công tác phòng chống mù lòa ở địa phương.
Bác sĩ Phạm Văn Hải chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống mù lòa vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do nhận thức về bệnh tật còn hạn chế nên mỗi lần tổ chức khám bệnh ở cơ sở, nhiều người mặc dù bị bệnh, thậm chí gần như mù lòa vẫn tránh tiếp xúc để được khám, tư vấn. Nhiều bệnh nhân đã được khám phát hiện bệnh nhưng vẫn không chịu về Trung tâm để được điều trị. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ mù lòa ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao. Ngoài ra, nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ chuyên khoa vẫn còn thiếu... nên chưa đáp ứng hết nhu cầu khám, điều trị về mắt cho người dân ở địa phương.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mù lòa, giai đoạn 2016-2020, tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung 3 nhóm giải pháp chính: Tăng cường giáo dục truyền thông; tranh thủ các nguồn kinh phí đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực trong công tác khám và điều trị. Phấn đấu khám phát hiện và phẫu thuật đục thủy tinh thể cho trên 1.500 ca/năm; nâng cao chất lượng thị lực sau phẫu thuật đạt trên 3/10 trên 80%; giảm tỷ lệ mù lòa do đục thủy tinh thể xuống dưới 0,45%.
Uyên Thu