Vượt lên chính mình
Theo giới thiệu của Thành đoàn Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH MTV Hoàng Trí Nhân (số 261, đường Quang Trung, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Giám đốc Lê Nhân Chí nhớ lại những năm đi học, anh chia sẻ: “Đã có lúc mình tủi thân khóc vì bị bạn bè trêu đùa, không thể chạy nhảy, vui chơi cùng các bạn. Nhưng rồi mình tập đi nạng, đi xe đạp để tự mình đến trường. Suốt những năm học phổ thông, mình luôn phấn đấu và đạt học sinh khá, giỏi”. Có lẽ chính những gian nan ấy đã tôi luyện nên nghị lực của chàng trai khuyết tật. Năm 2005, anh tốt nghiệp ngành Quản trị mạng tại một Trường Cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh. Chân trời mới mở ra, nhưng cùng với đó là biết bao khó khăn, thử thách.
Giám đốc Lê Nhân Chí (đứng) tận tình chỉ dạy học viên.
Sau một thời gian cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chắt chiu những đồng tiền làm ra, năm 2010, anh mạnh dạn mở Công ty TNHH MTV Hoàng Trí Nhân, chuyên bảo trì, sửa chửa, quản trị mạng, cung cấp thiết bị điện tử. Những ngày đầu hoạt động, khách còn vắng, nhưng sau một vài lần hợp tác, uy tín của công ty dần được khẳng định nhờ sự tận tình, trách nhiệm, chu đáo của anh và công ty với khách hàng.
Hàng tháng, công ty có lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Song, điều đặc biệt khác hẳn với các nơi khác, bởi lẽ 15 học viên, lao động của công ty hiện nay chủ yếu là người khuyết tật (NKT).
Thắp sáng những ước mơ
Quá trình làm việc, thấy nhiều NKT tỏ ý muốn được học nghề tại công ty, anh Chí đồng ý nhận dạy nghề miễn phí và đưa họ vào làm việc. Sau mỗi khóa học, anh chủ động tìm, giới thiệu việc làm và thậm chí giúp họ tự mở các cửa hàng ở quê để vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ lý do nhận NKT vào đào tạo miễn phí, anh Chí cho biết: Mình là NKT, từng xin đi học, đi làm và từng bị từ chối, nên rất hiểu nỗi khổ của người đồng cảnh ngộ. Bởi vậy, cách truyền dạy của mình là làm sao cho các học viên NKT cảm thấy được bình đẳng, được sống trong một gia đình để tăng thêm nghị lực trong họ.
Học viên Nguyễn Duy Phương, nhà ở số 41, đường Hải Thượng Lãn Ông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) bị teo cơ, học việc ở công ty được hơn 1 năm, hiện em đã tự mình sửa chữa được những hỏng hóc cơ bản trên máy tính. Phương cho biết: Trước kia, gia đình đã xin rất nhiều nơi cho em học nghề nhưng không được. Từ khi vào đây, em thấy công ty như nhà mình. Công việc lại phù hợp với sức khỏe, thể trạng của bản thân. Nhiều bạn bị khuyết tật, sau khi học nghề đã tự mở cửa hàng tại quê nhà, thu nhập hàng tháng có thể đảm bảo được cuộc sống của bản thân. Em cũng muốn như các bạn để không phải phụ thuộc vào gia đình, để ba mẹ bớt khổ.
Nói về dự định tương lai, anh Chí cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, đẩy mạnh hoạt động của công ty. Hiện tại, anh đã thuê cơ sở 2 tại Trung tâm Hoạt động Thanh-thiếu niên và đang hoàn thành hồ sơ xin cấp phép để mở Trung tâm Dạy nghề miễn phí cho NKT. Theo đó, các học viên là NKT theo học sẽ được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại… Tin chắc rằng, với sức trẻ và nghị lực, đôi chân của chàng trai tật nguyền sẽ “vững vàng” hơn và còn đi xa hơn nữa.
Xuân Nguyên