Năm 2015: Những thành tích nổi bật của ngành Y tế

Đồng chí Lê Minh Định
Giám đốc Sở Y tế

(NTO) Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, năm 2015, ngành Y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã giao ngành Y tế, cụ thể: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,4 (chỉ tiêu giao 7), đạt 60% Trạm Y tế có bác sĩ làm việc, có 70,8% xã/phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chỉ tiêu giao 70%), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18%.

Ngoài ra, trong năm 2015, ngành Y tế còn đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

1. Củng cố bộ máy và phát triển nhân lực

Y tế cơ sở được quan tâm củng cố. Một số Trạm y tế được khởi công xây mới (Thành Hải, Mỹ Hải, Tân Hải, Phước Bình) hoặc nâng cấp sửa chữa (Nhơn Sơn, Hòa Sơn, Mỹ Sơn, Phước Thái, Phước Diêm, Phước Nam...) và đầu tư trang thiết bị (Phước Thuận, Phước Dinh, Xuân Hải…).

Trung tâm Y tế Dự phòng được Bộ Y tế công nhận đạt Chuẩn quốc gia về Trung tâm Y tế Dự phòng tuyến tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành đã xây dựng Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường giai đoạn 2016 – 2020, Đề án đã được Bộ Y tế đồng ý về chủ trương.

Khám mắt cho người cao tuổi ở xã Phước Sơn (Ninh Phước.)

Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh chế độ thu hút nguồn nhân lực y tế. Năm 2015 đã thu hút được 41 bác sĩ; tham mưu UBND tỉnh làm việc với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo 15 bác sĩ đa khoa và 5 bác sĩ thuộc các chuyên ngành hiếm theo địa chỉ sử dụng.

2. Phòng, chống dịch bệnh

Không để xảy ra dịch bệnh trong những tháng khô hạn đầu năm 2015, chủ động giám sát và thực hiện các biện pháp kiểm soát các bệnh lưu hành tại địa phương thường gây dịch như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay-chân-miệng,…

3. Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế

Được Bộ Y tế kiểm tra công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh Phong ở quy mô cấp tỉnh. Tiêm chủng 8 bệnh truyền nhiễm cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98% (chỉ tiêu 95%), Số phụ nữ sinh tại cơ sở y tế đạt 97,7%, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi: 4,2‰ (chỉ tiêu <14‰), dưới 5 tuổi: 6,3‰ (chỉ tiêu <19‰). Vận động thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 103,9% kế hoạch, mức giảm sinh đạt 0,3‰ (chỉ tiêu là 0,2‰). Số ca mắc ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân là 5,2 (chỉ tiêu <7/100.000 dân).

Cho trẻ xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc uống vitamin A.

4. Công tác khám, chữa bệnh

Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ, viên chức y tế được nâng lên. Các biện pháp cải cách hành chính đã rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh thực tế chỉ bằng 50% thời gian cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Ngành Y tế đã phối hợp với các bệnh viện tuyến trên thông qua chương trình hợp tác phát triển giữa Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh, Đề án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, đến nay Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện được 247 kỹ thuật thuộc tuyến Trung ương. Công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt trên 100% so với kế hoạch. Tháng 12-2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư hệ thống chụp mạch máu để chuẩn bị triển khai các kỹ thuật can thiệp tim mạch vào đầu năm 2016, giúp cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể được can thiệp tại tỉnh.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đủ thuốc có chất lượng phục vụ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Công tác phối hợp giữa Y học cổ truyền với Y học hiện đại đã được quan tâm hơn trước đây.

Ngành cũng đang tích cực triển khai Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh” trong toàn ngành và đây cũng là điều mà ngành đã cam kết sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong năm 2016.

5. Phát triển Bảo hiểm y tế toàn dân

Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển BHYT toàn dân năm 2015 và giai đoạn 2015 – 2020; điều chỉnh Quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, tạo điều kiện cho người dân 8 xã, phường thuộc Tp. Phan Rang – Tháp Chàm được đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để vừa bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, vừa góp phần giảm quá tải cho Trung tâm Y tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 70% vào cuối năm.

Bệnh viện Ninh Hải đầu tư trang bị máy xét nghiệm sinh hóa tự động,
nâng cao chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tại tỉnh ta còn nhiều khó khăn: Hệ thống y tế chưa thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong quá trình phát triển KT-XH, nhiều vấn đề mới phát sinh như ô nhiễm môi trường, cơ cấu bệnh tật thay đổi đang ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao và đa dạng, trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, còn nhiều cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế, thiếu cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học, thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu; định mức kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu chi cho hoạt động của hầu hết các cơ sở y tế.

Sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến đang là vấn đề lớn cần quan tâm. Dịch vụ y tế ở nhiều xã còn ở mức độ thấp. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, rối loạn tâm thần... chưa được quan tâm đúng mức. Vẫn còn 30% người dân chưa tham gia BHYT. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt nên còn gây phiền hà, bức xúc cho bệnh nhân. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, về tự rèn luyện, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng chưa được chú trọng.

Mặc dù trong năm qua, ngành Y tế Ninh Thuận đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như đã nêu trên, góp phần tích cực vào việc cải thiện sức khỏe của Nhân dân. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển của đất nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng, ngành Y tế đang đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực mới có thể hoàn thành sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.

Năm 2016, ngành tập trung phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu. Trong đó, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám, chữa bệnh ban đầu thông qua việc đầu tư các trạm y tế xã, các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện; đồng thời đầu tư phát triển kỹ thuật chuyên sâu cho bệnh viện tuyến tỉnh, kết hợp tốt việc chuyển tuyến khám, chữa bệnh giữa các tuyến điều trị; tăng cường chuyển giao kỹ thuật để vừa giảm tải cho tuyến trên, vừa nâng cao năng lực cho tuyến dưới, giảm bớt chi phí điều trị cho người dân.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế thông qua việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 03/CT-BYT ngày 1-4-2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các giải pháp thực hiện tốt quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Bộ trưởng Bộ Y tế về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân.