Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Vì mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững

Đồng chí Hà Anh Quang
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

(NTO) Năm 2015, năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Bộ LĐ-TB&XH, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, các ngành, các cấp và Nhân dân, ngành LĐTB-XH đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được giao trong phát triển KT-XH địa phương. Việc thực hiện các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội được đảm bảo đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, qua đó góp phần phát triển KT-XH một cách bền vững.

Các đồng chí: Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh
tặng hoa và “Bảng ghi nhận tấm lòng vàng” cho doanh nghiệp, doanh nhân
đã có thành tích trong tham gia đóng góp Quỹ “Ngày vì người nghèo” của tỉnh. Ảnh: V.M

Đối với lĩnh vực Lao động-Việc làm-Đào tạo nghề, thông qua các chương trình giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, có nhiều đổi mới, gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Các ngành nghề và chất lượng đầu ra ngày càng sát với thị trường lao động, gắn với các doanh nghiệp và các dự án đầu tư trên địa bàn, đang từng bước phát huy, thực sự trở thành khâu đột phá, phát triển bền vững của tỉnh. Đặc biệt, ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, quan tâm đến các nghề chuyên canh, đặc thù, làng nghề, nông nghiệp, phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong năm 2015, đã giải quyết việc làm cho 16.091 lao động, đạt 103,81%; giáo dục nghề nghiệp cho 8.119 lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 2.622 người, đạt 100,84% kế hoạch… Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo xu hướng tích cực hơn: Giảm cơ cấu lao động ngành nông-lâm-thủy sản xuống còn 41,8%; ngành công nghiệp-xây dựng tăng lên 24%; ngành thương mại-dịch vụ tăng lên 34,2% đến năm 2015.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Phước Hòa quan tâm đến đời sống
kinh tế gia đình của hội viên. Ảnh: P.Hiếu

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, phát huy các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”… đã được ngành LĐ-TB&XH tỉnh cùng với các cấp, ngành và tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả, trở thành việc làm thường xuyên, có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Hiện toàn tỉnh đang quản lý, thực hiện đầy đủ chính sách đối với gần 18.000 thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, thanh niên xung phong, người có công với cách mạng; chi trả trợ cấp hằng tháng 3.993 định suất. Thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ người có công; phong trào đền ơn đáp nghĩa; từ đó đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng được cải thiện từng bước, gần 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu năm 2016 đề ra: Giải quyết việc làm cho 15.500 lao động, trong đó phấn đấu xuất khẩu lao động: 120 lao động; Giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5-2% theo tiêu chí mới, trong đó huyện nghèo Bác Ái giảm 4%; Dạy nghề cho 2.600 lao động nông thôn; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo là 52,34%, qua đào tạo nghề là 35,9%; Duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác Thương binh, Liệt sỹ và Người có công; Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3 cấp đạt 1,5 tỷ đồng. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời.

Xác định xóa đói, giảm nghèo gắn với tăng trưởng bền vững là một mục tiêu quan trọng của tỉnh, trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã chủ động điều tra, rà soát nắm tình hình đói nghèo, phân loại hộ nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó đề ra giải pháp hỗ trợ và khắc phục; tham mưu, đề xuất với tỉnh để xây dựng chương trình giảm nghèo từng giai đoạn và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả. Nhờ đó, công tác xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển và ổn định KT-XH của địa phương. Kết cấu hạ tầng các xã nghèo, các xã đặc biệt khó được đầu tư khá đồng bộ. 100% số xã có đường giao thông tới trung tâm xã, có trường lớp học, trạm y tế, đài truyền thanh đáp ứng yêu cầu. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục được thực hiện nghiêm túc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, công tác trợ giúp xã hội đã phát huy vai trò và sức mạnh cộng đồng trong việc giúp đỡ người yếu thế. Từ các phong trào “Ngày Vì người nghèo”, “Quỹ bảo trợ trẻ em” đã hỗ trợ thường xuyên cho người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị nhiễm chất độc hoá học... Hiện tại, toàn tỉnh đang thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho trên 19.033 đối tượng với kinh phí hơn 78 tỷ đồng…

Giờ thực hành của học viên khoa Điện - Điện tử thuộc Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vì mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững, năm 2016, ngành LĐ-TB&XH tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, quyết tâm thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và dịch vụ công trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; đề xuất thực hiện khâu đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đạt kết quả thiết thực; từng bước xã hội hoá công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người có công và các đối tượng trợ giúp xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phấn đấu đạt được những chỉ tiêu chủ yếu của ngành đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.