Khát vọng cống hiến
Tốt nghiệp Đại học Huế, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Nguyễn Quốc Hoàn đã tình nguyện tham gia Tổ công tác 30a tại xã Phước Hòa. Khi có Dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã, Hoàn nghĩ đây chính là cơ hội để mình được cống hiến, được phát huy khả năng của bản thân.
Trí thức trẻ xã Phước Hòa, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Hơn 5 năm, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, phụ trách mảng kinh tế, với ý chí, nghị lực và sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền địa phương, Nguyễn Quốc Hoàn đã chủ động tham mưu cho UBND xã và tích cực phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn cho người dân tiếp cận và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực tự hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế, huy động lao động của địa phương để phát triển… Nhờ đó, bà con nông dân xã Phước Hòa đã biết gieo trồng đúng lịch thời vụ, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và tuân thủ cách thức bón phân, phun thuốc đúng quy trình kỹ thuật. Anh Hoàn chia sẻ: “Để làm được điều này, trong suốt quá trình làm việc, bản thân và Tổ 30a xã thường xuyên tổ chức các buổi họp dân phân tích cho bà con hiểu lợi ích của cách thức sản xuất mới, đồng thời lắng nghe và khích lệ người dân phát huy những kinh nghiệm tốt, từ đó thống nhất với người dân về kế hoạch sản xuất cụ thể”. Bên cạnh đó, anh đã cùng với cán bộ nông nghiệp của xã hỗ trợ bà con phát triển mô hình giống lúa, bắp cao sản; đặc biệt chú trọng phát triển dự án chăn nuôi bò sinh sản, phát huy thế mạnh của địa phương với mong muốn giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tìm được đầu ra ổn định, góp phần cải thiện đời sống kinh tế.
Tốt nghiệp ngành Nông-lâm, Đại học Đà Lạt, Cao Thị Thanh Huyền tham gia Tổ công tác 30a của xã Phước Chính. Trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chính phụ trách lĩnh vực kinh tế, Huyền trăn trở mãi với mong muốn giúp đồng bào Raglai nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Muốn vậy, cần phải tìm ra những cây trồng, mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là giúp người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp. Để vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, ngoài giờ làm việc, Thanh Huyền tranh thủ thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tạo được sự gần gũi, tin tưởng của bà con. Nhờ vai trò tích cực của mình mà đến nay, nhiều bà con đã nắm vững và duy trì việc áp dụng các phương pháp sản xuất hiệu quả. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thanh Huyền đã thực hiện nhiều đề án như: Triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất giống bắp chịu hạn, giống đậu xanh và mô hình trồng nấm, nhằm giúp bà con có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm, tận dụng thời gian nhàn rỗi, góp phần cải thiện đời sống kinh tế.
Phát huy sức trẻ
Thực hiện chủ trương thu hút đội ngũ trí thức trẻ tăng cường về các xã đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh và “Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo” của Chính phủ, Sở Nội vụ và UBND huyện Bác Ái đã tuyển chọn được 80 trí thức trẻ vào các vị trí công tác tại địa phương, trong đó có 8 đội viên có trình độ đại học được đào tạo, bồi dưỡng và giới thiệu bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch UBND của 8/9 xã. Phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, đội ngũ trí thức trẻ ở huyện miền núi Bác Ái đã góp phần xứng đáng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội địa phương, qua đó chứng tỏ được năng lực và bước đầu tạo được uy tín trong cán bộ và Nhân dân.
Cán bộ lãnh đạo trẻ xã Phước Đại (Bác Ái) ứng dụng hiệu quả CNTT phục vụ công tác chuyên môn. Ảnh: Sơn Ngọc
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Kể từ khi có chủ trương tăng cường trí thức trẻ về địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của huyện 30a Bác Ái, với năng lực và sự nhiệt tình của trí thức trẻ, qua thực tế công tác tại địa phương, đội ngũ trí thức trẻ đảm nhận Phó Chủ tịch UBND các xã đã phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các chính sách giảm nghèo, trực tiếp tham gia hướng dẫn cho người dân sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành tại cơ sở. Bộ mặt nông thôn ở các địa phương như: Phước Thành, Phước Trung, Phước Chính, Phước Hòa, Phước Bình... đã có sự đổi khác rõ nét so với trước, đời sống của đồng bào cũng đã được nâng lên đáng kể.
Đội ngũ trí thức trẻ vùng cao hôm nay đang góp sức mình cùng các địa phương đặc biệt khó khăn từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế để phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chính sự nhiệt huyết và năng lực của trí thức trẻ đã góp phần tạo nên mùa xuân trên quê hương Bác Ái hôm nay.
Ngũ Anh Tuấn