Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao KNS.
Đóng trên địa bàn xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), Trường THPT Nguyễn Du là một trong những đơn vị giáo dục của tỉnh có cách làm hay, sáng tạo trong công tác giáo dục KNS cho HS các lớp. Thầy giáo Ngô Đình Huấn, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Cũng như các trường phổ thông khác, hoạt động giáo dục KNS hiện được nhà trường tổ chức lồng ghép thông qua hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong tiết sinh hoạt lớp, cũng như tích hợp vào các môn học trong chương trình giảng dạy… Cách làm này giúp các em rèn luyện những KNS về phòng chống tai nạn đuối nước, HIV/AIDS, phòng chống ma túy, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, an toàn giao thông, hành vi ứng xử văn hóa trong trường học, cộng đồng… Đặc biệt, để hoạt động giáo dục KNS cho HS đạt nhiều hiệu quả, nhà trường còn chỉ đạo giáo viên lồng ghép hoạt động ngoại khóa với hoạt động chuyên môn, giáo dục KNS cho HS thông qua các buổi giao lưu, tham quan về nguồn. Đơn cử như chuyến đi về huyện Bác Ái, nhờ việc tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai thông qua những nhạc cụ, điệu múa, vật dụng truyền thống, HS được tăng cường kiến thức thực tế, hiểu biết và thấm nhuần những truyền thống quý báu, tốt đẹp của đồng bào Raglai nói riêng, nét văn hóa dân tộc nói chung, từ đó có cách sống, cách ứng xử, giữ gìn phù hợp”. Em Nguyễn Ngọc Hiền Thư, lớp 10A1, một trong những HS tham gia buổi học ngoại khóa của trường, chia sẻ: Được đến huyện Bác Ái tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai, em thật sự rất vui. Từ chuyến đi này, em không những cảm nhận được nét đẹp trong văn hóa mà còn nhận thấy mình cần có trách nhiệm hơn với việc bảo tồn, phát huy và quảng bá nét văn hóa đặc sắc ấy đến với mọi người, nhất là du khách quốc tế khi đến tham quan du lịch.
Tại Trường THPT Tôn Đức Thắng (Ninh Hải), hoạt động giáo dục KNS cho HS cũng được Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên triển khai dưới nhiều hình thức phong phú. Điển hình là việc lồng ghép hoạt động giáo dục KNS cho HS trong tiết sinh hoạt lớp, trong đó nổi bật là việc đổi mới giờ sinh hoạt lớp bằng cách tổ chức các trò chơi mang tính trí tuệ, đan xen với các bài giảng bổ ích về kỹ năng “mềm” (tự tin nói trước đám đông, quản lý cảm xúc hay giải quyết vấn đề gặp phải trong cuộc sống…). Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường tổ chức kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi tuần một chủ đề. Tổ chức các cuộc thi: Tìm hiểu tấm gương các anh hùng liệt sỹ, “Đam mê toán học”, “Ngày hội đọc sách”…; nhận chăm sóc Đài tưởng niệm Liệt sỹ xã Hộ Hải và triển khai tốt phong trào “Nuôi heo đất, giúp bạn nghèo”… Qua đó, giúp HS phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách, ứng xử nhân văn, nhân ái khi hòa nhập với cộng đồng, xã hội.
Giáo dục KNS cho HS phổ thông là hoạt động quan trọng, không chỉ giúp các em hoàn thiện nhân cách, kỹ năng giao tiếp để hòa nhập cuộc sống, mà còn là nhân tố tích cực tạo động lực giúp các trường đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tin rằng, với những cách làm hay, sáng tạo, công tác giáo dục KNS cho HS sẽ được các trường THPT tiếp tục làm tốt hơn, qua đó góp phần trang bị cho các em những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực, loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hàng ngày, có khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử, ứng phó phù hợp, tạo nên giá trị sống, lối sống cho mỗi HS trước khi bước vào đời.
Phạm Lâm - Ngọc Diệp