Những chuyển biến tích cực trên cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ngày càng thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn. Để có được những tín hiệu “xanh” ấy, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ BVR vẫn âm thầm, kiên trì khắc phục khó khăn để giữ rừng ngày càng thêm xanh.
Đường lên Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái.
Ông Thiên Sanh Quận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Xác định tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong công tác QLBVR-PCCCR tại gốc. Năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng tổ chức 215 đợt tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp dân với hơn 10.530 lượt người tham gia. Hạt Kiểm lâm các huyện phối hợp chính quyền địa phương rà soát, thống kê, phân loại, lập danh sách gần 850 đối tượng có nguy cơ vi phạm các quy định về QLBVR, thường xuyên phối hợp với công an nhắc nhở, vận động các đối tượng chấp hành nghiêm các quy định; vận động được gần 540 hộ dân ký cam kết không vi phạm quy định về QLBVR. Từ công tác trên cho thấy, vai trò và ý thức của người dân trong việc tham gia BVR đã được thể hiện rõ hơn rất nhiều so với những năm trước. Thực tế, trong số những vụ vi phạm được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý năm qua, có không ít số vụ nhận được thông tin từ người dân.
Trong một dịp cùng anh em thuộc lực lượng QLBVR Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến, dọc theo những cánh rừng phòng hộ trên lâm phần của đơn vị, chúng tôi mới cảm nhận được sự vất vả, cũng như nỗ lực BVR của những người làm công tác QLBVR nơi đây. Với diện tích rừng được giao quản lý của đơn vị trải rộng trên 24.400ha, qua 4 xã Phước Bình, Phước Hòa, Phước Tiến và Phước Tân của huyện Bác Ái, trữ lượng gỗ lớn và nhiều loại gỗ quý có giá trị, địa hình hiểm trở, núi cao, giao thông đi lại khó khăn; diện tích rừng phòng hộ lại nằm sâu, giáp ranh với địa phận tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa mới thấy nỗi vất vả, trăn trở của những người giữ rừng.
Các thanh niên chốt cộng đồng thôn Ma Lâm, xã Phước Tân phân công nhiệm vụ trực bảo vệ rừng.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ kiểm lâm địa bàn thì vai trò của lực lượng BVR thuộc các đơn vị chủ rừng cũng đã được phát huy trách nhiệm rất tốt. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp mới trong công tác BVR đã được ngành Kiểm lâm tập trung triển khai quyết liệt và cho thấy hiệu quả rất đáng ghi nhận. Điển hình như 14 mô hình Tổ cộng đồng tham gia BVR trên địa bàn huyện Bác Ái được thành lập, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, nhân dân các xã, thôn có diện tích rừng được nhận giao khoán quản. Sau khi đi vào hoạt động, trách nhiệm và vai trò của người dân miền núi Bác Ái trong việc tham gia BVR đã được nâng lên rõ rệt. Hay việc thành lập 3 Tổ Kiểm soát lâm sản lưu động liên ngành được đóng chốt tại các điểm nóng và cửa rừng trên địa bàn Ninh Sơn và Bác Ái từ cuối năm 2014, mỗi tổ 10 người gồm lực lượng các ngành: Kiểm lâm cơ động, đơn vị chủ rừng, lực lượng công an, quân đội. Qua việc tăng cường lực lượng đủ mạnh, xử lý quyết liệt, nhất là kiểm tra, thu giữ các loại xe máy độ, chế “chuyên dụng”, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn đã được ngăn chặn hiệu quả. Nhờ đó, nhiều điểm nóng về phá rừng trên địa bàn tỉnh trước đây đã được kiểm soát chặt, số vụ vi phạm về QLBVR đã giảm mạnh trong năm qua.
Để kiên trì mục tiêu luôn giữ cho rừng mãi xanh, tin rằng với sự nỗ lực của các lực lượng liên quan, trực tiếp là những người lính “canh giữ rừng”, thời gian tới, màu xanh “đại ngàn” Ninh Thuận sẽ ngày một thêm xanh…
Nguyễn Sơn