Voọc chà vá chân đen ở vườn quốc gia núi chúa

(NTO) Mất hơn 3 giờ đồng hồ băng rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đã được ngắm nhìn Voọc Chà vá chân đen (tên khoa học Pygathrix nigripes) là loài đặc hữu của Đông Dương, cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, loài này đã được đưa vào Sách đỏ Thế giới và Việt Nam thuộc nhóm EN-nhóm cực kỳ nguy cấp cần bảo tồn khỏi nguy cơ tuyệt chủng ở Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa.

“Săn” Voọc Chà vá chân đen

Từ thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, đoàn chúng tôi đi bộ men theo đường rừng về phía Tây của rừng Núi Chúa. “Trừ trời mưa, mùa này đi rừng là tuyệt nhất”, vừa đi Thạc sỹ Trương Thanh Trịnh, Phó phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế-VQG Núi Chúa vừa cho chúng tôi biết. Quả thật, sau những ngày hạn hán, những cơn mưa đổ về, rừng Núi Chúa như bừng dậy, những mầm xanh mơn mởn, cây cỏ đơm lộc, nẩy chồi, nở hoa. Trên đường, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chú sóc, chồn đuôi dài chuyền cành, chạy ào trước mặt; những loài chim rừng với nhiều màu sắc sặc sỡ lanh lảnh hót,… Càng lên cao, cây cối xanh hơn và biển càng xa tầm mắt. Sau 3 giờ leo núi, băng rừng, bỏ lại cái nắng oi ả, trước mặt là sương mù bay là đà và khu rừng xanh um tùm không lối nhỏ. Máy định vị GPS của Thạc sỹ Trương Thanh Trịnh ghi nhận độ dốc 20 độ, cao 700m so với mặt nước biển, cách đỉnh núi Chúa Anh về hướng Tây Nam 4,4km. Chúng tôi đến điểm “phục kích” Voọc Chà vá chân đen.

Gia đình voọc.

Và rồi, mọi người trong đoàn đều trầm trồ, xuýt xoa khi nhìn thấy “gia đình” nhà Voọc này ngồi vắt vẻo trên cành cây chơi đùa với nhau. Từng con voọc hiện ra giữa những tán cây rừng xanh mát, thoăn thoắt chuyền cành, hái lá non, bẻ trái từ cành này sang cành khác. Một con voọc đầu đàn cất tiếng kêu báo động cho đàn voọc của mình khi phát hiện có người ở quanh lãnh địa, chúng thoắt ẩn, thoắt hiện trong những tán cây. “Lũ voọc này vui lắm, đời sống sinh hoạt cũng giống như người. Để phát hiện ra những đàn voọc này, ngoài việc quan sát màu sắc phát ra từ bộ lông, mình có thể lắng nghe tiếng động khi chúng kêu hoặc nhảy từ cành này sang cành khác. Ăn trên cây, ngủ trên cây. Hàng ngày, khoảng 5 giờ sáng, chúng thức dậy và đi ăn, thức ăn của chúng là quả, lá non, nước uống là những giọt sương mai. Khoảng 10 giờ chúng nghĩ, đến 4 giờ chiều, trời mát chúng đi ăn lại”- anh Trịnh cho biết.

Bảo tồn “Báu vật”

Theo khảo sát ban đầu của các nhà khoa học, VQG Núi Chúa có trên 1.504 loài thực vật và 306 loài động vật, trong đó Voọc Chà vá chân đen, một trong những loài linh trưởng vô cùng quý hiếm, không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. Loài voọc này có trọng lượng trung bình của con đực trưởng thành khoảng 10,9 kg, con cái khoảng 8,3 kg. Chân sau dài hơn chân trước, với nhiều màu sắc đen, xám tro, trắng, đỏ, xanh. Chính nhờ vẻ đẹp khác thường, loài động vật này được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Số lượng cá thể Chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa có thể lớn nhất trong các quần thể Chà vá chân đen hiện nay ở Việt Nam. Chúng sống và phân bố chủ yếu ở độ cao từ 700-800m, các vùng có độ dốc từ khoảng 150-200.

Voọc đầu đàn.

Nhiều năm nghiên cứu và làm cả luận văn Thạc sỹ về Voọc Chà vá chân đen, anh Trịnh giải thích thêm cho chúng tôi về đặc tính của loài linh trưởng rất giống người này. Chúng sống theo bầy đàn và “gia đình” trên các tầng cây. Mỗi đàn phân chia lãnh thổ, kiếm ăn, di chuyển theo quy luật nhất định. Các cá thể chăm sóc cho nhau, khi voọc cái có thai, con nhỏ, voọc cha sẽ kiêm luôn phần kiếm ăn. Khi bị săn bắn, nếu một con trong đàn bị bắn, cả đàn sẽ không bỏ chạy như những loài thú khác mà ở lại nằm im, núp vào một số tán lá rậm trên cây để cứu đồng loại. Vì “tính người” này vô tình chúng lại trở thành “mồi ngon” cho lâm tặc. Chỉ cần phát hiện đàn voọc, bắn trúng một con coi như lâm tặc bắn được cả đàn. Điển hình, như vụ ngày 19-7-2011, tại VQG Núi Chúa, cơ quan kiểm lâm đã bắt được hai đối tượng bắn chết 15 con voọc. Qua khai thác điều tra, đối tượng khai báo khi hạ được con đầu đàn, cả đàn voọc đã không bỏ chạy nên đã "hạ" hết luôn!.

Hiện nay, loài voọc này đang xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp cần bảo tồn khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra khảo sát nghiên cứu của Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, Viện phó Viện Sinh thái học miền Nam năm nếu 2003, số lượng cá thể Chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa được ước tính nằm trong khoảng 955 cá thể, thì 10 năm sau số lượng cá thể voọc chỉ còn khoảng 697 cá thể. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tuyệt chủng của loài này là do con người “ăn voọc”. Việc bị đồn thổi là loài vật nhiều dinh dưỡng, làm thuốc bồi bổ cơ thể người dẫn đến loài voọc này đang bị lâm tặc săn bắn ráo riết.

Hệ sinh thái thiên nhiên Vườn quốc gia Núi Chúa.

Ðể nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây, theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát triển bền vững VQG Núi Chúa, đặc biệt đối với loài Voọc Chà vá chân đen. Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa VQG Núi Chúa với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ðặc biệt trong đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Núi Chúa phải theo hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự an toàn cho loài Voọc Chà vá chân đen.

Theo Tiến sỹ Hoàng Minh Đức, để bảo vệ “báu vật” này, ngoại trừ những tác động tiêu cực bất khả kháng từ phía thiên nhiên, thì Ninh Thuận cũng như các tổ chức liên quan cần có chiến lược bảo tồn một cách bền vững hơn, từ việc ngăn chặn săn bắt trái phép đến việc quy hoạch, khai thác du lịch tại VQG Núi Chúa.