Đoàn kết, giúp nhau vượt hạn

(NTO) Năm 2015, lần đầu tiên tỉnh ta công bố khẩn cấp tình trạng thiên tai. Đây cũng là lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, tình trạng khô hạn kéo dài, gay gắt diễn ra. 18/20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh cạt kiệt nước, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân. Trước khó khăn đó, người dân tỉnh ta đã đoàn kết giúp nhau vượt hạn để ổn định đời sống, duy trì sản xuất.

Xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là một trong những địa phương chịu khô hạn nhất, toàn xã có 280 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có một hồ Nước Ngọt với dung tích 1,8 triệu m3. Khô hạn đã làm 180 ha nho bị thiếu nước có nguy cơ chết héo, tài sản lớn và là nguồn sống của hàng trăm hộ dân bị đe dọa. Để khắc phục khó khăn, người dân xã Vĩnh Hải đã đào hàng trăm cái ao để tìm nguồn nước, nhằm giữ gốc nho.

Nhờ sự đoàn kết, chia sẻ nguồn nước trồng cỏ, đàn bò
của người dân thôn Văn Lâm 4 (Phước Nam) vẫn béo tốt sau mùa hạn.

Nhiều hộ dân khác ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải) như ông Nguyễn Văn Còn đã cùng người dân trong vùng “chạy đua” với hạn để tìm nguồn nước. Sau 3 lần tự đào ao lấy nước tưới, ông đều thất bại. Không chịu chùn bước trước khó khăn, lần thứ 4, ông Còn đã vận động một số hộ dân trong vùng cùng đi tìm nguồn nước và chung sức đào ao để chống hạn. Tìm được nguồn nước đã khó, nhưng làm sao để dẫn được nước về rẫy càng khó hơn, bởi vị trí đào ao cách rẫy khá xa. Thế là ông Còn lại cùng người dân góp ống, nối dây, đưa máy bơm nước vào ao cũ đã trải bạt, rồi tiếp tục “tăng bo” đẩy nước về. “Từ ao về rẫy vòng vèo gần 3 cây số, nếu làm một mình thì không nổi. Nhưng chung nhau một đường ống nước, một đường dây điện, kéo nhờ qua rẫy người ta thành ra nó nhẹ nhàng. Năm, bảy hộ tưới đều một lúc rồi đo chia đầu diện tích để trả tiền điện. Như vậy mà cứu được cả chục héc-ta nho qua mùa hạn”. Ông Còn vui vẻ tâm sự.

Nằm ở vùng tâm hạn, xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong “cơn đại hạn” vừa qua. Nhiều diện tích đất nông nghiệp phải ngưng sản xuất. Ruộng khô, cỏ cháy, không sản xuất được, đồng nghĩa với việc không có thức ăn để duy trì, phát triển đàn gia súc. Trong khi đó, Phước Nam có số lượng đàn gia súc khá lớn, với hơn 25 ngàn con. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, hộ ông Nguyễn Văn Thái, ở thôn Nho Lâm đã thuê người khoan giếng, hy vọng tìm ra nguồn nước để cứu rẫy táo đang có nguy cơ chết héo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Phải mất hơn 20 mũi khoan với nhiều thời gian và công sức mới tìm được mạch nước ngầm. Thế nhưng khi có nước, ông Thái không ngần ngại chia sẻ nguồn nước với người dân trong vùng. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã đặt máy bơm nước từ giếng nhà ông Thái lên để cứu hoa màu, trồng cỏ tạo nguồn thức ăn cho gia súc.

Cách đó không xa, hộ ông Khê Văn Huệ, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam cũng đã chia sẻ nguồn nước giếng của gia đình phục vụ tưới cỏ, cứu đàn gia súc thiếu thức ăn của các hộ dân lân cận…

Ông Não Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Từ cách làm thiết thực, hiệu quả của các hộ dân tại địa phương, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí khoan tiếp 4 giếng nước tại các thôn Nho Lâm, Văn Lâm 4 và Văn Lâm 1, mỗi giếng trị giá trên 50 triệu đồng. Có nước, bà con đã chủ động bơm tưới cứu được hàng chục héc-ta hoa màu và đảm bảo thức ăn, nước uống cho đàn gia súc. Theo ông Thủ, trong khó khăn, khô hạn người dân các địa phương đã nỗ lực vượt khó và biết chia sẻ, đoàn kết giúp đỡ nhau. Ở những vùng có nước sản xuất được, bà con tạo điều kiện cho người chăn nuôi thu phụ phẩm nông nghiệp như lá táo, nho và rơm rạ làm thức ăn cho gia súc. Chính vì vậy, qua mùa hạn khắc nghiệt nhưng đàn gia súc ít bị thiệt hại, nhiều diện tích hoa màu vẫn cho thu hoạch khá.

Có thể thấy, trong “cuộc chiến” chống hạn vừa qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và địa phương, thì tinh thần đoàn kết, chia sẻ, nỗ lực vượt hạn của người dân đã tạo nên sự “thành công” rất đáng trân trọng. Sau đợt mưa đầu mùa, những giàn nho ở thôn Thái An cũng như ở nhiều vùng quê đã nảy lộc, đâm bông, hứa hẹn một mùa sai quả ngọt. Đàn gia súc ở xã Phước Nam và nhiều vùng hạn vẫn tiếp tục sinh sôi, phát triển không ngừng nhờ những ruộng cỏ xanh tươi. Đó là niềm vui, “vị ngọt” của tinh thần đoàn kết, biết chia sẻ vượt khó của người dân vùng hạn.