(NTO) Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đồng thời nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân đã được ngành Nông nghiệp& PTNT tỉnh nhà đẩy mạnh thực hiện. Có thể nói, đến nay một trong những kết quả nổi bật là chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính trong năm 2015 toàn tỉnh đã có trên 2.039 ha cây trồng được chuyển đổi, trong đó nhiều nhất là ở vụ hè - thu chuyển đổi trên 1.034ha, trong đó chuyển từ đất trồng lúa 389ha để trồng bắp lai 277ha, trồng cỏ chăn nuôi 50ha, đậu xanh 55ha, dưa hấu 7ha; vụ mùa tiếp tục chuyển 740 ha sang trồng cỏ (290 ha), bắp (450 ha). Đây là những cây trồng có khả năng chịu hạn và tiết kiệm được nước tưới, tạo thu nhập cho nhiều nông hộ, nhất là trong điều kiện hạn hán...
Vụ mùa 2015, nông dân xã Nhị Hà (Thuận Nam) chuyển đổi trồng bắp lai trên ruộng gò đạt năng suất trên 7 tấn/ha. Ảnh: Sơn Ngọc
Chương trình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được thực hiện khá hiệu quả. Theo thống kê, sản lượng nông sản bao tiêu sản phẩm đến nay đạt trên 88.430 tấn (lúa 9.093 tấn, bắp 2.497 tấn, thuốc lá 940 tấn và củ mì tươi 75.040 tấn), trong đó liên kết sản xuất (lúa, bắp) giống được ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ giống trong vụ đông - xuân và vụ hè - thu 2015 trên 1.909ha với sản lượng giống sản xuất trên 12.453 tấn, cao nhất là diện tích lúa giống 1.394ha, sản lượng 9.093 tấn; bắp giống 505ha, sản lượng 2.497 tấn.
Nhờ được hỗ trợ vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, chất lượng giống được nâng lên, giá thu mua cao hơn từ 12-15% so với thị trường, giúp cho người sản xuất có thu nhập khá và tiêu thụ ổn định...Kết quả mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Cây đậu xanh mang lại lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha, cao hơn 9 triệu đồng/ha nếu sản xuất lúa; cây bắp lai lợi nhuận trên 12 triệu đồng/ha, cao hơn cây lúa trên 4,5 triệu đồng/ha...
Tuy nhiên, so với tổng diện tích sản xuất bình quân trên 80.000 ha/năm thì con số chuyển đổi cây trồng còn quá khiêm tốn, đối tượng chuyển đổi còn hạn chế, sức lan tỏa về hiệu quả sản xuất chưa cao nên chưa thu hút nhiều nông hộ tham gia... Năm 2016, ngành Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ tập trung chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chỉ thị 25/CT ngày
30-11-2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững theo hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện sản xuất trong tỉnh. Theo đó, ngành rà soát lại quy hoạch của các huyện và quy hoạch chi tiết bố trí sản xuất các xã thuộc Chương trình Nông thôn mới. Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn 2-4 cây con chủ lực, mỗi xã 2-3 cây con chủ lực để ưu tiên phát triển. Trên cơ sở lựa chọn sản phẩm chủ lực, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực; ứng dụng và nhân rộng các mô hình, công nghệ mới có hiệu quả để phát triển. Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới. Tập trung triển khai Kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới. Trước mắt tập trung các mô hình gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh như: mô hình 1 phải, 5 giảm, mô hình VietGap đối với táo, nho, hành tỏi...; các mô hình ứng dụng đối với chăn nuôi dê, cừu, nuôi trồng thủy sản. Phối hợp cùng các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 52/2015/QĐ-UBND ngày 17-8-2015 của UBND tỉnh...
Thiết nghĩ, cùng với các chính sách của tỉnh thì “chủ thể” vẫn là các nông hộ trong việc tích cực thực hiện và thụ hưởng từ chính những thành quả của mình.
TD