Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua phát triển khá toàn diện, nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật (KH&KT) đã được ứng dụng vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Tuy nhiên, xét về quy mô, yêu cầu mang tính bền vững so với mục tiêu đề ra, nhất là việc đầu tư thâm canh và ứng dụng KH&KT chưa được nông dân coi trọng, nên năng suất và hiệu quả còn thấp. Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do người dân thiếu nguồn lực đầu tư, các mô hình dự án triển khai thiếu tập trung, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, nông dân thiếu quan tâm sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, giá tiêu thụ nông sản không ổn định.
Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa.
Xuất phát từ thực tế trên, tỉnh ta xác định tập trung phát triển, hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp phát triển bền vững. Để đạt được mục đích, ngày 2-2-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ban hành Đề án về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu chính của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng KH&KT; đa dạng hóa cây trồng, nâng cao giá trị sử dụng đất. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, các huyện, thành phố đã xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể, huyện Ninh Phước đã tạo mọi điều kiện để Công ty CP giống cây trồng Nha Hố ký kết hợp đồng với nông dân xã Phước Vinh, Phước Sơn sản xuất 388 ha bắp giống; Công ty Thực phẩm Lâm Đồng trồng thí điểm nho rượu kiểu mới quy mô 3.000m2 tại xã Phước Thuận. Cùng với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình áp dụng KH&KT mới đem lại hiệu cao được các địa phương triển khai, như: Mô hình cấy lúa bằng máy ở thôn Gò Đền (xã Tân Hải, Ninh Hải) đã tạo bước đột phá mới trong đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; mô hình hỗ trợ thụ tinh bò cái sinh sản ở huyện Thuận Bắc đã góp phần nâng cao tỷ lệ bò lai sind, chất lượng đàn tăng. Đặc biệt, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa được Nhân dân hưởng ứng nhân rộng, đã hình thành vùng sản xuất lương thực tập trung theo hướng hàng hóa.
Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Năm 2015, vốn hỗ trợ thực hiện nhân rộng các mô hình hơn 2,4 tỷ đồng. Theo đó, các địa phương đã triển khai mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa quy mô gần 1.000 ha, bắp lai 600 ha, rau an toàn hơn 26 ha và hỗ trợ mua hàng chục con giống để cải tạo đàn bò, dê, cừu. Qua đó, giúp người dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ KH&KT mới vào sản xuất theo hướng hàng hóa, để nâng cao sức cạnh tranh. Nhờ vậy, tiết kiệm được chi phí “đầu vào”, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giữ vững thương hiệu một số mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh. Đặc biệt, hoạt động nhân rộng các mô hình đã đạt được mục tiêu của Đề án là nâng cao mức sống cho người dân, góp phần xây dựng NTM.
Anh Tùng