TRUYỆN NGẮN:

Vòng tay Mùa xuân

(NTO) … Nó ngồi nhìn đàn cá tranh nhau đớp mồi; bóng hình của nó trên mặt nước ao bị vỡ nhòa, nó bỗng có một cảm giác nôn nao khó tả. Đã nhiều lần, nó suy nghĩ về cuộc đời mình mỗi khi được cán bộ quản giáo cho ra lao động với công việc nhẹ nhàng là… cho cá ăn trong ao nuôi của Trại giáo dưỡng.

Nhìn đàn cá đớp mồi, nó nhớ đến cảnh tượng bọn trẻ cùng tuổi với nó; nhóm trẻ bụi đời khi quay về căn nhà của “Ông chủ” tranh nhau miếng ăn, giành nhau để tìm kiếm sự ưu ái từ phía người đã đùm bọc nó kể từ khi nó trở thành một đứa bé không còn gia đình, lang thang cơ nhỡ! Cuộc sống bụi đời, bon chen, giành giật không thiếu những “chiêu thức” mà người đời thường gọi là “xã hội đen” đã đưa nó đến một thực trạng đắng cay và theo nó là đen tối. Nó đã trở thành một con nghiện vào đúng dịp mãn tang hai người thân yêu nhất là ba và mẹ.

Ảnh minh họa.

Tai nạn máy bay ngày ấy đã cướp đi hai người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của nó. Bơ vơ, trơ trọi, chống chọi với những tháng ngày mưu sinh để tồn tại sau khi đã tiêu pha phung phí số tiền bồi thường mà chỉ mỗi mình nó được hưởng. Nó cũng không biết thi thể ba mẹ nó hiện ở nơi nào vì dẫu có tích cực tìm kiếm thì nhà chức trách cũng chỉ cho nó biết là chưa tìm ra được xác của chiếc máy bay bị tai nạn. Bước ngoặc cuộc đời nó là khi trong túi không còn một đồng xu. Đói, mệt rã rời, nó nằm gục trước một căn nhà sang trọng. Đến khi tỉnh dậy, trước mặt nó là một người đàn ông … “Ông chủ”. Với cử chỉ thân thiện, ông ấy đã chăm sóc và sau đó nó cùng nhập bọn với đám trẻ bụi đời có hoàn cảnh tương tự; cũng có những đứa trẻ con nhà giàu có nhưng được “Ông chủ” đùm bọc… Khi nó nhận biết được, những đứa trẻ con nhà giàu có này là những nạn nhân của những cuộc “trả giá” giữa “Ông chủ” với gia đình; khi nó biết chắc rằng dưới cái vỏ bọc của một người có tấm lòng từ thiện với đám trẻ bụi đời là một bộ mặt vô cùng xảo quyệt, quái ác chuyên sống trên thân xác của bọn trẻ như nó cũng là lúc nó đã rơi vào tình trạng của một con nghiện mà người gây ra không ai khác, chính là “Ông chủ”…

Đàn cá trong ao không còn tranh nhau đớp mồi. Nó nhìn hình bóng in trên mặt nước; bất chợt có tiếng gà gáy trưa làm cho nó da diết nhớ những ngày cùng sống với ba mẹ ở miền quê yên tĩnh. Nó nhẩm tính thời gian vào Trại giáo dưỡng đến nay đã hai trăm bảy mươi lăm ngày ra một con số rất dễ nhớ là sáu ngàn sáu trăm giờ. Quyết định của Tòa án về thời hạn bắt buộc đưa vào Trại giáo dưỡng đối với nó là một năm; nó lại nhẩm tính thời hạn còn lại chín mươi ngày bằng hai nghìn một trăm sáu mươi giờ, tương đương một trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm phút… Con số sáu cứ quanh quẩn trong đầu; nó chưa kịp nghĩ đến những gì đối với con số ấy thì có tiếng nói:

- Tèo! Em đang suy nghĩ gì vậy? …

Nó không quay lại nhìn, vẫn biết đó là cán bộ quản giáo có tên Trường Giang. Nó bật ra câu nói tưởng chừng như vô thức: “Dạ! Em đang ngắm mình dưới mặt nước ao cá mà nghĩ đến con sông dài sẽ đưa em về đâu” …

- Ái chà! Hôm nay Tèo không giống như Tèo của những ngày trước… văn vẻ quá Tèo ơi! Em có tính khi hết thời hạn, em sẽ về đâu, sinh sống như thế nào không?

Nó ngước nhìn cán bộ quản giáo với ánh mắt hoài nghi, dò xét:

- Dạ! Em vừa mới nhẩm tính một trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm phút không biết sẽ ra sao… mà em cứ nghĩ con số sáu là số may mắn hay rủi ro với cuộc đời của em; hai trăm bảy mươi lăm ngày ở nơi đây em tính bằng sáu ngàn sáu trăm giờ và chín mươi ngày còn lại em tính ra một trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm phút… con số sáu nhiều quá phải không anh?

Người cán bộ quản giáo có tên Trường Giang đặt tay lên vai nó và nói như đã có sự chuẩn bị từ trước:

- Con số là thứ tự để người ta tính toán, xác định số ít, số nhiều, số nhân, số chia, thậm chí là những số lũy thừa… Số may mắn hay rủi ro là do duyên phận cuộc đời với những gì mà mỗi người thu hoạch được bởi những quan hệ nhân quả. Những cái ao tưởng chừng không liên quan gì đến dòng sông nhưng những mạch ngầm của dòng nước tạo thành ao và những dòng sông đều hướng về biển cả; nơi ấy mọi người vẫn thấy được hình tượng bao la, nhân ái và tha thiết của người mẹ…

Nó nắm chặt tay cán bộ quản giáo Trường Giang; những tình cảm từ ngày vào Trại giáo dưỡng đối với người cán bộ này như dồn nén; nó không kìm được nước mắt:

- Anh Giang ơi! Tèo chưa biết đi đâu, về đâu…

Cán bộ quản giáo Trường Giang nhìn nó với ánh mắt đầy thiện cảm và nó thấy được trong ánh mắt ấy có tia sáng của mùa xuân; có vòng tay của mùa xuân đang chầm chậm đến…

- Em đi cùng anh lên gặp vị Luật gia và Đoàn cán bộ của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để cùng bàn tính chuyện ra Trại…

Cảm xúc đan xen, vừa vui mừng, lo lắng; vừa ray rứt âu lo xen lẫn với sự phấn chấn; nó vụt đứng lên đi theo cán bộ quản giáo Trường Giang…

…Nó về ở cùng người quản trang được chín mươi ngày. Nó không ngờ nội dung “Thư viết lời xin lỗi” của nó đã được Ban Giám hiệu Trại giáo dưỡng; vị Luật gia thống nhất liên hệ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tiếp cận, tư vấn giúp nó về ở với người quản trang của Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh này. Nó lại bất ngờ hơn khi người quản trang nói với nó rằng: “Chú đã đọc rất kỹ Thư viết lời xin lỗi của con; hơi cá biệt nhưng rất chân tình với khát vọng đầy nhân nghĩa và truyền thống. Con viết lời xin lỗi với ba mẹ, những người không còn sống. Con cũng xin lỗi những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Con ao ước, khát khao được làm một điều gì đó để đền đáp công ơn… Chính những khát khao đó của con đã giúp chú đi đến quyết định trình lãnh đạo Sở cho con về ở với chú để làm công việc quản trang”. Nó càng ngạc nhiên hơn khi vị Luật gia cho nó biết, hôm các Trại viên cùng Đoàn Thanh niên của tỉnh đi viếng Nghĩa trang liệt sĩ; nó là đứa trẻ đã ngồi rất lâu trước tượng đài nghĩa trang, tượng đài có hình tượng đôi tay chấp lại và nó đã quỳ rất lâu trước tượng đài ấy. Những cử chỉ của nó hôm ấy đã lọt vào đôi mắt của vị Luật gia và từ đó nó đã được tư vấn để về với người quản trang…

Ba tháng cùng người quản trang, hàng đêm nó đều cần mẫn thắp từng nén nhang đến từng ngôi mộ. Đêm nào nó cũng dành 15 phút ngồi trước tượng đài để cầu nguyện, sám hối và hứa hẹn. Nó đã được người quản trang cho nó tiếp tục học chương trình phổ thông còn đang dang dở. Vốn bản tính thông minh và cần cù, nó học giỏi và nhiều triển vọng. Thỉnh thoảng, nó được về thăm lại ngôi nhà xưa… Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; vị Luật gia; người quản trang và đại diện Ban Giám hiệu Trại giáo dưỡng đã mở ra cho nó một con đường tốt nghiệp phổ thông; vào đại học và sau này làm việc tại Sở lao động Thương binh và xã hội. Những điều ấy, nó cứ ngỡ trong mơ…

Đêm 30 Tết, người quản trang về với gia đình. Nó tình nguyện ở lại và đêm ấy, sau khi nghe Chủ tịch nước chúc Tết; nó lại thắp từng nén nhang, đến từng ngôi mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ. Nó lại quỳ trước tượng đài; trong tĩnh lặng giữa đêm khuya, nó chìm đắm trong giấc ngủ tự nhiên ập đến và nó đã thấy những người lính trẻ; những liệt sĩ được ghi tên cũng như một số liệt sĩ chưa ghi tên đã đứng bao quanh nó… Những vòng tay của liệt sĩ; những vòng tay của người quản trang; vị Luật gia; cán bộ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; cán bộ của Trường giáo dưỡng… Vòng tay mùa xuân đang dang rộng, hướng nó đến một mùa xuân mới chứa chan, ngập tràn hy vọng…