CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Lựa lời mà nói!

(NTO) Văn hóa trong ứng xử không phải là vấn đề gì mới mà ngay từ thời xa xưa ông bà ta đã đúc kết thành câu ca dao: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong xã hội hiện đại, phát triển và theo đó là mặt bằng văn hóa chung đã nâng lên đáng kể. Tất nhiên là theo logic thì văn hóa trong ứng xử lại càng cao hơn, rộng rãi hơn... Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Giới trẻ ngày nay, nhiều người trong số họ đa phần đã tốt nghiệp đại học, còn thấp nhất cũng xong tú tài. Tuy nhiên, không ít lần tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi trước đám đông các người trẻ lại ứng xử với nhau “sỗ sàng” đến mức không nghĩ rằng đây là văn hóa bởi ngôn ngữ “xa lạ”, “tây” không ra “tây” mà “ta” cũng chẳng ra “ta” và có lẽ chỉ có họ mới hiểu mà thôi. Đặc biệt, đối với ngành “nhạy cảm” như du lịch đòi hỏi phải “lựa lời” trước khi giao tiếp, cả thái độ cũng vậy nhưng đây đó vẫn còn không ít những “hạt sạn” đáng suy ngẫm. Có thể nói, khi đến các điểm du lịch không ít người sẽ nghĩ rằng mình sẽ được tiếp đón ân cần, lịch sự bằng nụ cười duyên dáng của cô hướng dẫn viên hay ông (bà) chủ cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ…nhưng nhiều khi cũng bị “lầm” và thay vào suy nghĩ tốt đẹp kia là sự “ấm ức”. Số là nhân dịp Tết dương lịch vừa qua một số người bạn tôi ở ngoài tỉnh, có người ở tận Tây Nguyên đến tham quan. Sự háo hức ban đầu muốn đến các điểm du lịch được giới thiệu trên “bản đồ” du lịch quốc gia như Tháp Po Klong Garai, làng gốm cổ nhất Đông Nam Á Bàu Trúc...

Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc

Thế nhưng khi đến tận “mục sở thị” lại tỏ ra thất vọng với thái độ không mấy thân thiện của một số nhân viên, cũng như cung cách phục vụ. Nhiều du khách than phiền và nói thẳng rằng: - Ở đây chỉ biết bán vé mà không thấy “bóng dáng” người hướng dẫn, thuyết minh về di tích!. Ông bạn tôi kiền riền: - Nếu chỉ đến xem thì có lẽ xem qua hình ảnh là đủ, điều mình thích là được đến tận nơi và tìm hiểu lịch sử của di tích mà thường là thông qua người thuyết minh như nhiều nơi khác đã làm!... Đến làng Bàu Trúc có phần hấp dẫn hơn là được tận mắt thấy người làm gốm bằng tay, được sờ vào sản phẩm bằng đất thô và nếu cần cũng được hướng dẫn làm thử. Chỉ tiếc là nếu có người thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của nghề, được tôn vinh ra sao... thì hay biết mấy. Hình ảnh không đẹp nữa là gần đây tình trạng một số trẻ em trong làng như chờ sẵn, khi du khách xuống xe là tập trung đến để vòi vĩnh xin tiền, làm cho hình ảnh làng gốm “xấu” đi trông thấy.

Được biết tỉnh ta đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Do vậy, để hình ảnh du lịch tỉnh nhà được ngày một đẹp, hấp dẫn... đầu tiên Bộ quy tắc này phải được phổ biến, “thẩm thấu” trong mọi người, nhất là từ những người trực tiếp “làm du lịch”. Hơn bao giờ hết, điều cần lưu ý vẫn là văn hóa trong giao tiếp, bởi đây là “khởi đầu” của niềm tin và tình cảm đối với mọi người…