DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Hội thảo đối thoại chính sách hợp tác công tư trong nông nghiệp

(NTO) Trong hai ngày 30 và 31-12, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh tổ chức Hội thảo đối thoại chính sách hợp tác công tư trong nông nghiệp nhằm phát triển chuỗi dê, cừu, bò, nho, táo tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và phát triển chuỗi dê, cừu, bò, tỏi tại các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc.

Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, cán bộ chuyên trách các Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện, Ban Phát triển các xã vùng dự án, đại diện các nhóm cùng sở thích và các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhóm tư vấn trình bày lý thuyết và thực tiễn hợp tác công tư trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ Tam nông.

Hội thảo đã nghe nhóm tư vấn (gồm Tiến sĩ Trương Chí Hiếu, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hào và Thạc sĩ Lê Quang Trực) trình bày lý thuyết và thực tiễn hợp tác công tư trong khuôn khổ Dự án HTTN tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc. Theo lý thuyết, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (Public Private Partner, đọc tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) dự án để thực hiện quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Trong thực tế nông nghiệp, các hình thức hợp tác PPP thường được áp dụng trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp (như đường, thủy lợi, chợ đầu mối nông sản, các cơ sở chế biến nông sản, hệ thống thông tin…), ngoài ra còn bao gồm hợp tác nghiên cứu và phát triển về giống cây trồng, vật nuôi; nâng cao năng lực tiếp cận thị trường và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Những năm qua, trong khuôn khổ Dự án HTTN tỉnh, hình thức PPP thực hiện ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Thuận Bắc nói riêng và ở tỉnh ta nói chung tập trung vào các hoạt động của Quỹ Cạnh tranh nông nghiệp (CBG), Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) và Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF). Thực hiện PPP ở tỉnh ta, thông qua Quỹ CBG đã có 10 DN được tài trợ hoạt động trong các chuỗi giá trị nho, táo, dê, cừu, mía, chuối, tỏi, bò và heo đen, liên kết với các hộ nông dân thuộc nhóm nghèo và cận nghèo ở vùng dự án; Quỹ CSG tài trợ các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhóm cùng sở thích và tổ hợp tác khu vực nông thôn đầu tư áp dụng công nghệ mới và các phương pháp sản xuất, kinh doanh mới trong nông nghiệp; Quỹ CDF cung cấp nguồn lực tài chính cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, cơ sở hạ tầng sản xuất, hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, liên hệ thực tiễn, đề xuất cần bổ sung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và cơ chế kết hợp đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan hình thức hợp tác PPP. Xuất phát từ vai trò các bên tham gia PPP, nhóm tư vấn đề nghị hành động can thiệp chuỗi trong thời gian tới bằng kế hoạch hợp tác PPP hiệu quả, phù hợp thực tế từng địa phương.