Đến Phước Bình vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi mới của diện mạo nông thôn, hầu hết các trục đường chính trong xã đều được bê-tông và đa số người dân đều có nhà xây khang trang. Nhờ địa hình đồi núi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, những năm qua người dân Phước Bình đã tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, đầu tư phát triển trồng hơn 600 ha chuối và 992 ha bắp, từng bước cải thiện dần đời sống, vươn lên thoát nghèo. Theo anh Phạm Phùng Bảo Châu, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Phát triển xã Phước Bình, căn cứ thực tế địa phương, Ban Phát triển xã đã xác định 5 chuỗi giá trị sản phẩm tiềm năng là: Bò, heo đen, bắp lai, chuối và bưởi da xanh.
Bắp lai trồng ở Phước Bình đạt năng suất bình quân trên 6 tấn/ha.
Thực hiện Dự án HTTN, với sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Bác Ái, vừa qua, Ban Phát triển xã Phước Bình đã triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai cho 55 hộ dân tại thôn Hành Rạc 1 với diện tích 36,3 ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt trên 6 tấn/ha. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, DASU Bác Ái đã mở 2 lớp tập huấn tại hiện trường kỹ thuật trồng bắp lai theo phương pháp mới, qua đó giúp cho trên 50 hộ nông dân tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc bắp. Ngoài ra, trong năm nay DASU Bác Ái còn mở 1 lớp tập huấn hiện trường kỹ thuật chăn nuôi bò, 2 lớp tập huấn hiện trường kỹ thuật trồng bưởi da xanh, 1 lớp tập huấn hiện trường kỹ thuật chăn nuôi heo đen và 1 lớp dạy nghề đan lát cho người dân. Từ tháng 10, Dự án HTTN tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư hỗ trợ heo đen giống, thức ăn ban đầu và công tác thú y; hỗ trợ vật tư đầu vào cây bưởi da xanh và kỹ thuật trong 3 tháng đầu sau khi trồng cho người dân Phước Bình.
Để phát triển các chuỗi giá trị, thực hiện hợp phần 3 về đầu tư kết cấu hạ tầng chung, thông qua nguồn vốn dự án, trong năm 2014, Phước Bình đã đầu tư hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 2 công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đó là công trình xây dựng đường bê-tông vào khu sản xuất có diện tích 50 ha trồng bắp thôn Hành Rạc 2, với kinh phí gần 1,173 tỷ đồng (người hưởng lợi góp 46,65 triệu đồng) và công trình xây dựng hệ thống nước tự chảy phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt thôn Hành Rạc 1, có kinh phí gần 1,468 tỷ đồng (người hưởng lợi góp trên 60 triệu đồng). Về kết cấu hạ tầng sản xuất, Dự án đã hỗ trợ làm sân phơi cho các nhóm cùng sở thích trồng bắp ở 2 thôn Bạc Rây 1 và Gia É; hỗ trợ mua máy tuốt bắp cho các nhóm sở thích trồng bắp và hỗ trợ xây dựng chuồng nuôi bò cho các nhóm cùng sở thích nuôi bò trong xã. Riêng từ đầu năm đến nay, về đầu tư kết cấu hạ tầng chung, Ban Phát triển xã Phước Bình đã triển khai thi công công trình gia cố kè đường từ Gia É đến khu sản xuất Bố Lang, xây dựng đường bê tông vào khu sản xuất Bố Lang-Gia É (phục vụ chuỗi giá trị bắp, chuối). Về cơ sở hạ tầng sản xuất, đã hoàn thành 2 công trình sân phơi thôn Bố Lang và thôn Bạc Rây 2; đầu tư hỗ trợ bò cái lai sinh sản theo hình thức xoay vòng cho các hộ nghèo và cận nghèo trong xã.
Có thể nói từ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng chung và hạ tầng sản xuất của Dự án HTTN tỉnh, đã giúp Phước Bình phát triển các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương, tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo. Đặc biệt với kết quả bước đầu của mô hình trồng bắp lai đang tác động đến việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân Raglai địa phương, thu hút thêm nhiều hộ nghèo tham gia các mô hình trồng bưởi da xanh, nuôi heo đen và bò cái lai sinh sản, hướng tới mục tiêu cải thiện dần đời sống trong những năm tới.
Bạch Thương