DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG TỈNH:

Hướng phát triển của nhóm nuôi cừu Heifer ở Nam Cương

(NTO) An Hải là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Phước, với diện tích đất nông nghiệp trên 1.210ha, trong đó có vùng trồng rau an toàn rộng 180ha. Khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã chọn nho, táo, măng tây xanh, dê và cừu-những thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp từ lâu của địa phương.

Là một trong 7 thôn của xã An Hải, Nam Cương có diện tích đất sản xuất bao gồm 50ha đất rẫy trồng rau màu. Ngoài trồng trọt, người dân thôn Nam Cương còn chăn nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống, đặc biệt gần đây cừu cũng được chú trọng trong chăn nuôi. Để phát triển chuỗi giá trị cừu, giữa tháng 7-2014, tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu Heifer thôn Nam Cương được thành lập gồm 10 hộ thành viên, trong đó có 7 hộ nghèo và cận nghèo, do anh Hồ Minh Tuyến, Trưởng thôn làm nhóm trưởng. Sau khi thành lập, nhờ hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh thông qua nguồn vốn CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), đã có 6 con cừu được chuyển giao cho nhóm. Từ thực tế đời sống các hộ trong tổ nhóm, các thành viên đã họp bàn và thống nhất chọn 3 hộ khó khăn nhất để giao mỗi hộ 2 con cừu để nuôi sinh sản theo mô hình Heifer. Ngoài ra Quỹ CDF còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm nuôi cừu ở thôn Nam Cương làm 6 chuồng trại.

Ông Huỳnh Vĩnh Thành, thành viên tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu Heifer.

Qua một thời gian nuôi, đến nay, 3 hộ nhận nuôi đầu tiên trong tổ đã có cừu sinh sản, mỗi hộ có cừu đẻ từ 1-3 con, có hộ đã có cừu trưởng thành bán thịt. Hiện các hộ đang chuẩn bị chuyển tiếp cừu con cho 3 hộ còn lại thuộc nhóm nuôi sinh sản, như vậy sẽ không lâu nữa, từ 6 con nuôi sinh sản, đàn cừu dự án có khả năng sẽ tăng lên gấp đôi. Khi thành lập, vì có hộ chưa từng tiếp xúc với nghề nuôi cừu nên tổ nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu sinh sản thôn Nam Cương đã mời 3 hộ từng nuôi cừu tham gia để chia sẻ kinh nghiệm. Theo anh Tuyến, nhờ 3 hộ thành viên này đều là người chăn nuôi cừu lâu năm và có sẵn bầy đàn, có nhiều kinh nghiệm nên việc tương trợ cho 3 hộ nghèo, cận nghèo còn lại về con giống, kỹ thuật chăm sóc cừu thuận lợi hơn. Điều đáng ghi nhận là tuy đất đai canh tác không nhiều, nhưng bù lại thôn Nam Cương có ưu thế của vùng trồng rau an toàn, ngoài ra với đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân đã có điều kiện thuận lợi nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ cây rau màu.

Ông Huỳnh Vĩnh Thành, người nuôi cừu có nhiều kinh nghiệm ở thôn Nam Cương, cho biết: “Cừu ở đây thường chăn thả trên các đồng cỏ gần xung quanh, thức ăn cung cấp cho chúng không phải lo, nói chung cừu rất dễ nuôi vì ít mắc bệnh, nên chú tâm, cừu dễ phát triển”. Theo quan sát của ông, một số hộ nuôi ở đây cứ hằng tuần tắm cho cừu 1-2 lần thì cừu sẽ lớn nhanh và sức đề kháng mạnh. Nhận xét về việc nuôi cừu theo mô hình Heifer, anh Hồ Minh Tuyến nói: Cũng giống như nuôi rẽ, nhưng mô hình này thiết thực và mang tính cộng đồng cao, tạo được điều kiện, cơ hội cho bà con vươn lên thoát nghèo, cứ đà này không lâu đàn cừu của thôn sẽ được nhân rộng và là cơ sở để khẳng định vùng đất này hoàn toàn phù hợp cho nghề nuôi cừu.

Chăn nuôi nói chung là một trong những phương cách thoát nghèo hữu hiệu cho người dân thôn Nam Cương. Tuy thời gian còn quá ngắn để chứng minh tính hiệu quả như bò và dê đang nuôi phổ biến ở đây, song qua thực tế đã cho thấy cừu vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi. Đặc biệt thực hiện nuôi cừu theo mô hình Heifer, nhóm cùng sở thích sẽ có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, biết cách làm ăn theo tổ nhóm, được dự án hỗ trợ tiến tới liên kết với doanh nghiệp đem lại triển vọng cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững.