* Sự kiện
- Ngày 26-12-1920: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phát biểu khai mạc Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18.Tại phiên họp buổi chiều ngày khai mạc Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18, Nguyễn Ái Quốc phát biểu khẳng định “tôi đến đây với tư cách một đảng viên Đảng Xã hội, để phản kháng những tội ác ghê tởm trên quê hương tôi... Chủ nghĩa tư bản Pháp đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi... Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa... Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: “Các đồng chí hãy cứu chúng tôi!”. Đáp lại, Chủ tịch phiên họp đã lên tiếng: “...toàn thể Đảng Xã hội đều đứng về phía đồng chí để phản đối những tội ác của giai cấp tư sản”.
- Ngày 26-12-1961: Chính phủ ra quyết định đầu tiên về hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch.Kể từ ngày văn bản đầu tiên về hướng dẫn sinh đẻ cho nhân dân ra đời, chương trình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã chính thức được triển khai tại Việt Nam. Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng. Từ một đất nước có mức sinh rất cao, đến nay, Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn 1,99 con (đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế). Hiện Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, là cơ hội để Việt Nam sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng được cơ hội vàng mà cơ cấu dân số vàng mang lại.
- Ngày 26-12-1963: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ đang họp phiên cuối năm và nhắc nhở: “Hiện nay chúng ta làm 3 xây, 3 chống còn kém. Anh chị em công nhân và nhân viên các sở thì rất hăng hái, nhưng từ cấp giám đốc lên đến bộ trưởng, thứ trưởng thì còn nhiều người chưa chuyển, cho nên có chỗ cuộc vận động bị tắc lại. Bây giờ phải làm 3 xây, 3 chống cả hai chiều từ dưới lên và từ trên xuống. Bản thân các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ lãnh đạo phải 3 xây, 3 chống. Hơn ai hết người lãnh đạo phải nhận rõ cuộc vận động này là rất quan trọng để làm cho tốt... Phải luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng... Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.- Ngày 26-12-1963: Khánh thành Nhà máy Điện Thái Nguyên, công suất 24.000 KW - một trong những hệ thống quan trọng của Khu Liên hiệp Gang thép Thái Nguyên.
- Ngày 26-12-1966: Nổ ra cuộc bãi công của công nhân bốc vác ở cảng quân sự Sài Gòn.Khoảng 5.000 công nhân ở Cảng quân sự Sài Gòn và hàng vạn công nhân lao động ở Sài Gòn đã bãi công và biểu tình thị uy, kịch liệt phản đối Mỹ và Thiệu, Kỳ đuổi 600 công nhân đang làm việc tại cảng. Các công nhân bãi công trang bị dao, gậy để tự vệ và cử đại biểu gặp bọn Mỹ Ngụy, đòi chúng phải hủy bỏ lệnh sa thải số công nhân trên. Cuộc đấu tranh này đã làm cho cảng Sài Gòn gần như tê liệt hoàn toàn.- Ngày 26 và 27-12-1967: Chiến thắng Thẩm Khê, Mỹ Thủy.Thẩm Khê và Mỹ Thủy là 2 thôn vùng ven biển, cách Hải Lăng (Quảng Trị) khoảng 9 km về phía Đông. Vào 7 giờ sáng ngày 26-12, 2 tiểu đoàn và 1 chi đoàn xe bọc thép M-113 quân Ngụy chia thành nhiều mũi tiến vào thôn Mỹ Thủy. Các mũi hành quân của địch đã đều bị quân giải phóng tiêu diệt. 200 tên địch đã phải bỏ xác tại chỗ, 2 chiếc M-113 và 2 máy bay bị bắn cháy và bắn rơi.Sáng 27-12, hoảng hốt trước thất bại nặng nề, quân địch đã cử thêm tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 1, Sư đoàn số 1 lính thủy đánh bộ Mỹ từ Quảng Nam ra tiếp viện. Quân Mỹ tiến vào làng Thẩm Khê, cách Mỹ Thủy khoảng 1km về phía Đông Nam. Phát huy chiến thắng ngày 26-12, quân giải phóng Quảng Trị đã lập thêm 1 chiến công xuất sắc, tiêu diệt 200 tên địch.Chiến thắng Thẩm Khê, Mỹ Thủy là sự biểu hiện rực rỡ của tư tưởng tiến công địch và lối đánh giáp lá cà dũng mãnh của quân giải phóng. Đây là lần đầu tiên, quân giải phóng tiêu diệt cùng lúc 400 tên Mỹ và Ngụy ngay giữa đồng bằng ven biển.
- Ngày 26-12-1972: Đế quốc Mỹ ném bom rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên.Phố Khâm Thiên là một phố đông dân nằm giữa Thủ đô Hà Nội, không có cơ sở quân sự hoặc chính trị quan trọng. Vậy mà đế quốc Mỹ cho máy bay B.52 ném bom xuống đây, gây ra những tội ác ghê rợn: sát hại 287 dân thường, làm bị thương 290 người, hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, 6 khối phố bị hủy diệt hoàn toàn. Cũng trong đêm 26-12, quân và dân thủ đô Hà Nội đã bắn rơi 5 chiếc B.52, bắt nhiều giặc lái. Đây là đêm thứ 9 trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh phá bằng không quân xuống miền Bắc nước ta và cũng là đêm tổn thất nặng nề nhất của lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ.Ký ức đau thương ngày nào, giờ chỉ còn là hình ảnh Đài tưởng niệm nơi góc phố. Cuộc sống của người dân Khâm Thiên đã ổn định và no đủ; phố Khâm Thiên trở thành một tuyến phố sầm uất. - Ngày 26-12-1981: Thành lập Phông Lưu trữ Quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam- Ngày 26-12-1988: Đại hội lần thứ 3 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.Tham dự Đại hội có 232 hội viên (trong số 286 hội viên). Đại hội III được tiến hành trên tinh thần thẳng thắn, công khai, dân chủ và đoàn kết vì sự nghiệp đổi mới.Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 13 người, do ông Hoàng Tư Trai làm Tổng Thư ký; các ông Lê Phức, Lâm Tấn Tài làm Phó Tổng thư ký.
- Ngày 26-12-1991: Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh:- Chia tỉnh Thuận Hải thành 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.- Chia tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng.- Chia tỉnh Cửu Long thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.- Chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.- Từ ngày 26 đến 28-12-2002: Đại hội lần thứ III Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá 3 với 94 ủy viên. Trung tướng Đặng Quân Thụy được bầu làm Chủ tịch Hội.
- Ngày 26-12-2004: Khởi công xây dựng Công trình Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4.Công trình thủy điện Đồng Nai 3 và 4 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là tổ hợp thuỷ điện có công suất lớn nhất trên sông Đồng Nai. Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 180 MW, sản lượng điện 589 triệu kWh/năm. Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 340 MW, sản lượng điện hơn 1,1 tỷ kWh/năm. Tổ máy số 1 của Thủy điện Đồng Nai 3 hòa lưới điện quốc gia vào ngày 5-1-2011; tổ máy số 2 hòa lưới điện quốc gia vào 27-6-2011.Tổ máy số 1 của Thủy điện Đồng Nai 4 phát điện vào ngày 28-3-2012; tổ máy số 2 phát điện vào ngày 24-6-2012. Tổng sản lượng điện trung bình hằng năm của hai nhà máy là hơn 1,7 tỷ kWh.
- Ngày 26-12-2008: Tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khánh thành Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam. Nhà máy có công suất xử lý 141.000m3 nước thải/ngày đêm, tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.Ngày 7-2-2015, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông-đô thị TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ khởi công gói thầu “Mở rộng nhà máy xử lý nước thải”. Theo đó, nhà máy sẽ có công suất là 469.000m3/ngày đêm, dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành vào tháng 8-2019.
- Ngày 26-12-2009: đưa vào khai thác Nhà ga cảng hàng không Liên Khương. Nhà ga cảng hàng không Liên Khương được xây dựng với tổng diện tích sàn là 12.400 m2, công suất 1,5-2 triệu lượt khách/năm; thiết kế đạt tiêu chuẩn 4B nhà ga quốc tế hiện đại của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới. Tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
- Ngày 26-12-2014: Kỷ niệm 40 năm Đồng Xoài rực lửa chiến công. Ngày 26-12, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng Đồng Xoài (26-12-1974/2014), 15 năm thành lập thị xã (1-1-2000/2015), đón nhận Huân chương Lao động hạng hai và công bố quyết định thị xã Đồng Xoài là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết nhưng tại Đồng Xoài, địch dùng Sư đoàn 5, một số đơn vị của Sư đoàn 18 tăng cường đóng các chốt, cụm dọc đường 14. Địch thực hiện nhiều cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng của ta, mở rộng phạm vi lấn đất giành dân, đồng thời bắn phá ác liệt. Địch mở đường 14 từ Phước Vĩnh đến Đồng Xoài và thành lập tại Chi khu Đồng Xoài, một cứ điểm bao gồm 8 ấp chiến lược với bộ máy kìm kẹp chặt chẽ và 2 tuyến phòng thủ trong, ngoài Chi khu. Mỗi ấp chiến lược là một đồn bốt, có ít nhất 1 trung đội dân vệ đóng giữ. Ngoài ra chúng sử dụng bọn chiêu hồi, Thiên Nga, Phượng Hoàng bố trí len lỏi vào xóm ấp, khu dân cư để phát hiện cơ sở và đánh phá cách mạng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục Miền Nam và Tỉnh ủy Bình Phước, ngày 26-12-1974, Huyện ủy Đồng Xoài (K17) đã lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân phối hợp với Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 và một số đơn vị bộ binh, pháo binh tấn công Chi khu Đồng Xoài và đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi đó là tiền đề, là bước đệm để quân và dân ta tiến công giải phóng Phước Long - tỉnh lỵ đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 6-1-1975.
* Nhân vật
- Ngày 26-12-1949: Ngày hy sinh nhà văn Trần Đăng.Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, sinh ngày 11-11-1921, quê xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1948, Trần Đăng làm phóng viên mặt trận cho báo Vệ Quốc quân. Ông trực tiếp tham dự nhiều chiến dịch lớn như: Đông Bắc (1948), Đường số 9 (1949)… Ông là một cây bút tích cực. Ngoài văn xuôi, ông còn viết nhiều tiểu luận về văn nghệ kháng chiến, văn nghệ trong quân đội.Tuy ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhà văn Trần Đăng đã để lại cho thế hệ sau nhiều tác phẩm báo chí, văn học nóng bỏng hơi thở chiến trường và cuộc sống của người chiến sĩ trên trận mạc. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cho các tác phẩm: “Một lần tới Thủ đô”, “Trận Phố Ràng”, “Một cuộc chuẩn bị”.
Nguồn: TTXVN