Mở rộng lệnh áp đặt trừng phạt
Ngày 23-12-2015, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ sung 34 cá nhân và tổ chức của Nga vào 4 danh sách trừng phạt khác nhau với cáo buộc có liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong đó, 14 cá nhân và tổ chức của Nga cùng 6 nhân vật của Cộng hòa Lugansk (Lu-gan-xcơ) và Donetsk (Đô-nhét-xcơ) tự xưng ở miền Đông Ukraine bị cáo buộc ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở Ukraine, 2 người Ukraine bị cáo buộc có dính líu tới cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich (Vích-to Y-a-nu-cô-vích). Ngoài ra, 12 ngân hàng, nhà máy và các công ty khác của Nga cũng bị Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt với cáo buộc có “liên quan tới Crimea”. Các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ sẽ bị phong tỏa tài khoản, bị cấm giao dịch với công dân và các công ty Mỹ.
Washington cho biết sẽ không rút lại lệnh trừng phạt đến khi Nga thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk và trả lại quyền kiểm soát biên giới hợp pháp cho láng giềng Ukraine. Lệnh trừng phạt mới của Mỹ được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, sau khi các lệnh trừng phạt hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 1-2016. Thông báo của EU cho biết 28 quốc gia thành viên của khối này đưa ra quyết định trên sau khi nhận thấy Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện trước cuối năm 2015 như yêu cầu. Thông báo nêu rõ lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài thêm 6 tháng đến ngày 31-7-2016 và chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể. Trong thời gian áp dụng lệnh trừng phạt này, EU sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.Phản ứng trước lệnh trừng phạt mới của Mỹ và EU, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov (Đmi-tri Pê-xcốp) tuyên bố Washington đang thi hành chính sách mâu thuẫn và thù địch chống lại Moskva, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương. Phát biểu với báo giới tại Điện Kremlin, ông Peskov cho biết phía Nga sẽ tiến hành phân tích quyết định mà Mỹ vừa thông qua, sau đó sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả. Với EU, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng việc gắn các biện pháp trừng phạt Moskva với việc giải quyết cuộc xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép, không có cơ sở và thiếu logic. Đồng thời nhấn mạnh việc kéo dài trừng phạt chống Moskva sẽ càng khuyến khích Kiev vi phạm các điều khoản trong Thỏa thuận hòa bình Minsk.
Thiệt hại nặng nề
Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ và EU đã xấu đi nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra năm 2013, nhất là khi bán đảo Crimea của Ukraine sáp nhập vào Nga.Các nhà phân tích cho rằng, căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại Nga - EU - Ukraine diễn ra ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 21-12 vừa qua đã thất bại. Các bên đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới các quy định trao đổi hàng hóa khi Hiệp định Tự do thương mại giữa Ukraine và EU sắp có hiệu lực. Điện Kremlin cho rằng, Kiev và EU đồng ý tạo ra khu vực thương mại tự do sâu rộng sẽ biến Ukraine thành cửa sau để “cơn lũ” hàng xuất khẩu giá rẻ từ EU tràn vào Nga. Do vậy, Moskva phải dỡ bỏ tất cả ưu đãi về thương mại đã dành cho Kiev, buộc hàng xuất khẩu từ Ukraine chịu thuế suất ngang bằng với các quốc gia khác. Nga cũng sẽ cấm thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) lại đổ lỗi cho Nga thiếu thiện chí và linh hoạt trong cuộc đàm phán. Hiện tại, các bên liên quan tới cuộc chiến thương mại này đều đã hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (WIFO), tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga do các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã kéo theo những hậu quả còn tồi tệ hơn dự đoán đối với các nước thuộc EU. Theo ước tính của WIFO, nếu EU tiếp tục duy trì trừng phạt thương mại Nga sẽ dẫn đến một thực tế là Italy sẽ mất hơn 200.000 việc làm và kinh tế giảm 0,9%; Pháp mất gần 150.000 việc làm và kinh tế giảm 0,5%. Estonia - nước có quan hệ sâu rộng với nền kinh tế Nga nhất, sẽ mất đi khoảng 16% còn nền kinh tế Đức sẽ giảm hơn 1%... Nếu tình hình không thay đổi một cách căn bản, sẽ có một kịch bản bi thảm hơn đối với kinh tế châu Âu. Về phía Nga, các lệnh trừng phạt cũng đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD và đẩy nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng.
Mặc dù, gần đây, đại diện của cả Nga và EU đều có những phát biểu lạc quan về triển vọng kinh tế của mỗi bên song các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh lợi ích tay ba Nga - EU - Mỹ được gắn kết trong một thời gian dài, ngay cả khi kết thúc trừng phạt, việc khắc phục thiệt hại sẽ không đơn giản. Còn càng kéo dài và gia tăng mức độ căng thẳng, mức độ khốc liệt của cuộc chiến thương mại sẽ càng khó lường.
Theo TTXVN