* Sự kiện
- Ngày 19-12-1946: Ngày toàn quốc kháng chiến. Cách đây 69 năm, vào lúc hơn 20 giờ ngày 19-12-1946, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội cho nổ mìn phá Nhà máy Phát điện, đèn toàn thành phố tắt, pháo đài Láng phát hỏa, hiệu lệnh chiến đấu bắt đầu. Hà Nội mở màn cuộc toàn quốc kháng chiến. Sáng 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo “Cứu quốc” và các báo ở Hà Nội đều đăng trang trọng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác đã thúc giục triệu người nhất quyết xông tới với lời thề quyết tử: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
- Ngày 19-12-1953: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 179-SL công bố “Luật cải cách ruộng đất” do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 4-12-1953.
- Ngày 19-12-1980: Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980.
- Ngày 19-12-2004: Đại hội thành lập Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Hội được thành lập theo Nghị định số 88/2003 của Chính phủ, nhằm tập hợp đoàn kết và phát huy bản chất, truyền thống của hơn 30 vạn cựu cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ. Hội là chỗ dựa tinh thần, tạo sức mạnh mới cho hội viên thanh niên xung phong tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Nhiệm vụ của Hội là tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; vận động hội viên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; tiến hành các hoạt động "nghĩa tình đồng đội". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 75 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Anh Liên làm Chủ tịch.
* Nhân vật
- Ngày 19-12-1896: Ngày sinh nhà soạn kịch Vũ Đình Long. Vũ Đình Long quê ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Vũ Đình Long là người có vị trí đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện đại, là người mở đầu cho nền kịch nghệ nước nhà với nhiều vở kịch nổi tiếng, trong đó có vở "Chén thuốc độc". Với "Chén thuốc độc", lần đầu tiên ở Việt Nam có kịch nói đúng nghĩa “diễn kịch theo lối mới mà thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta”. Ông còn là chủ nhà in, nhà xuất bản Tân Dân và nhiều tờ báo như: Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu... Vũ Đình Long mất ngày 14-8-1960 tại Hà Nội. Tên của ông được đặt cho một con đường tại thành phố Đà Nẵng.
Theo TTXVN