1. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vừa thông qua Nghị quyết nhằm ngăn chặn các nguồn thu nhập của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố khác do Nga và Mỹ đồng bảo trợ.
Nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc có những hành động quyết liệt để ngăn chặn nguồn tài chính của IS có được nhờ bán dầu, bán đồ cổ, bắt cóc để đòi tiền chuộc và các hoạt động tội phạm khác. Nghị quyết cũng hối thúc các quốc gia phải tăng cường chia sẻ thông tin tình báo về những mối đe dọa khủng bố và đưa ra một bản báo cáo trong 120 ngày về việc các nước sẽ làm thế nào để ngăn chặn nguồn tài chính của IS và Al-Qaeda.
Các thành viên trong Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu thông qua giải pháp ngăn chặn nguồn tài chính của IS.
Các biện pháp mới chống khủng bố vừa được thông qua cũng bao gồm lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản và lệnh cấm vận chuyển vũ khí đối với những người hay tổ chức thuộc hoặc ủng hộ IS; đồng thời khẳng định việc trả tiền chuộc cho những cá nhân hay các tổ chức khủng bố như IS là bất hợp pháp.
Nghị quyết này được xem là phản ứng mạnh mẽ của Liên hiệp quốc đối với các hoạt động khủng bố của nhóm phiến quân Hồi giáo.
2. Cuộc khủng hoảng di cư và tư cách thành viên trong tương lai của Anh là 2 chủ đề chính tại cuộc họp của lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015 tại Brussel (Bỉ).
Vấn đề Anh đi hay ở lại EU đã được đưa ra thảo luận. Thủ tướng Anh đưa ra điều kiện, nếu muốn Anh tiếp tục là thành viên EU thì phải để nước Anh được hưởng một số quy chế riêng. Theo đó, Anh muốn các luật lệ chung của EU không can thiệp quá sâu vào chủ quyền kinh tế và chính trị của nước này. Người lao động từ các quốc gia châu Âu khác tới quốc gia này làm việc sẽ không được hưởng quyền lợi như người Anh. Đây là những đòi hỏi đi ngược với tinh thần các hiệp ước nền tảng tạo lập EU. Một số thành viên EU cho rằng, đề xuất này là không hợp lý.
Về cuộc khủng hoảng di cư được cho là chủ đề chiếm phần lớn nội dung của hội nghị. Các quốc gia thành viên EU sẽ bàn thảo về đề xuất tái định cư người di cư Syria trực tiếp từ các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ theo một chương trình tự nguyện. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ ngăn việc người di cư tiếp tục thực hiện cuộc hành trình vượt biển nguy hiểm để tới châu Âu, đồng thời giảm bớt sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên châu Âu đối với hạn ngạch bắt buộc phân bổ người tị nạn trước đó.
Tháng 11-2015, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã đạt được một thỏa thuận, trong đó Ankara sẽ giúp EU giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng di cư. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận được 3 tỷ Euro hỗ trợ tài chính của EU cho chương trình tái định cư người tị nạn.
PV