Hội nghị COP21: Ô nhiễm hàng không - Khoảng trống đáng lo trong Thỏa thuận Paris

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề Năng lượng và Biến đổi khí hậu Miguel Arias Canete (Mi-ghên A-ri-át Ca-nê-tê) ngày 16-12 cảnh báo việc Thỏa thuận Paris đạt được hôm 12-12 vừa qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) “bỏ sót” ngành hàng không có thể gây nên “một vấn đề rất lớn" nếu trong năm tới, tiến trình đàm phán cắt giảm khí thải ngành hàng không thế giới không đạt tiến triển.

Trước đây, những nỗ lực để giải quyết vấn đề nói trên cũng đã bị "sa lầy". Việc đối diện nguy cơ về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác khiến Liên minh châu Âu (EU) buộc phải lùi lại kế hoạch áp dụng luật yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng sân bay của EU phải mua giấy phép phát thải qua Hệ thống Mua bán Khí thải EU (ETS).

Theo ông Arias Canete, Thỏa thuận Paris dù nhận được sự nhất trí của 195 quốc gia và dù EU đã đạt được phần lớn những gì mong đợi từ văn kiện này, nhưng liên minh 28 quốc gia thành viên khó có thể thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra trong đó, do buộc phải từ bỏ các yêu cầu về việc đưa ngành hàng không và hàng hải tham gia thỏa thuận.

Số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy hai ngành hàng không và hàng hải hiện chiếm khoảng 5% lượng khí thải trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo lượng phát thải này sẽ tăng lên mức 30% vào năm 2050 nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, giới chức EU cho biết Ủy ban châu Âu sẽ quyết định những bước đi tiếp theo dựa trên kết quả cuộc họp vào cuối năm 2016 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Theo TTXVN