Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 12-12

* Sự kiện

- Ngày 12-12-2001: Thành lập Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng thành Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Phong Nha-Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu; được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho những cảnh quan kì bí, hùng vĩ. Phong Nha - Kẻ Bàng có khoảng 300 hang động lớn nhỏ, được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới. Phong Nha-Kẻ Bàng có hệ thực vật phong phú, đa dạng và độc đáo, trong đó có nhiều loài nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ của IUCN. Với những giá trị đặc sắc, Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 7-2003.

 
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Ngày 12-12-2006: Khánh thành cầu Thị Nại vượt biển dài nhất Việt Nam. Cầu Thị Nại thuộc hệ thống công trình cầu đường Nhơn Hội, nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (thuộc khu kinh tế Nhơn Hội), là cây cầu vượt biển dài nhất của cả nước hiện nay. Chiều dài phần cầu chính là gần 2,5 km. Chiều rộng cầu là 15m. Khổ thông thuyền ứng với mực nước 9m. Công trình sử dụng công nghệ thi công hiện đại, tải trọng thiết kế cho xe 30 tấn và xe bánh xích 80 tấn. Việc đưa vào sử dụng công trình đã mở ra một giai đoạn mới trong phát triển khu kinh tế Nhơn Hội. Cầu Thị Nại được khởi công xây dựng ngày 3-11-2002. Tổng mức đầu tư hơn 363 tỷ đồng.

- Ngày 12-12-2013: Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sỹ Biên phòng”. Tượng đài được xây dựng trong khuôn viên vườn hoa của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Được khởi công ngày 20-9-2013, tượng đài có chiều cao 4,9 m, trong đó tượng Bác Hồ cao 1,9 m. Công trình được xây dựng bằng xi măng, bên ngoài ốp đá xẻ.

* Nhân vật

- Ngày 12-12-1928: Ngày sinh của Nhạc sĩ Xuân Hồng. Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, sinh ngày 12-12-1928, trong một gia đình yêu thích nhạc tài tử ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Xuân Hồng tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc từ kháng chiến chống Pháp. Nhưng đặc biệt, ông đã nổi lên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu. Những sáng tác như “Bài ca may áo”, “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Là một nhạc sĩ tiêu biểu của cuộc chiến tranh cách mạng, Xuân Hồng luôn hướng về người lính. Sau ngày đất nước thống nhất, đề tài về người lính vẫn luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để ông cho ra đời những tác phẩm hay về người lính: “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn ghita của Đại đội 3”, “Người Mẹ Việt Nam”... Với tài năng và sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật âm nhạc nước nhà, năm 2000, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Trong các tác phẩm nằm trong giải thưởng, có hai tác phẩm viết về mùa xuân, đó là “Xuân chiến khu” và “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”. Ông mất ngày 14-5-1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo TTXVN