Thế giới trong tuần

1. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh vị trí của Nga trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran và tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria và cho rằng, Nga đóng góp vai trò quan trọng trong các nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột quốc tế lớn.

Người đứng đầu NATO cũng cho biết khối quân sự này chưa bao giờ chấm dứt hoạt động của Hội đồng Nga-NATO. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, NATO chỉ tạm đình chỉ hợp tác thực tế với Nga trong khi vẫn duy trì các kênh tiếp xúc chính trị. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định mặc dù muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, NATO không thay đổi lập trường của mình đối với vấn đề Ukraine.

Trong khi đó, Đức cũng hối thúc các đồng minh trong tổ chức NATO mở lại các kênh liên lạc cấp cao với Nga khi lập luận rằng Moskva đóng vai trò mang tính xây dựng tại nhiều khu vực, đặc biệt trong việc chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. Ngoại trưởng Mỹ Frank Walter Steinmeier nhấn mạnh: “Tôi hối thúc những khả năng có thể giảm bớt các nguy cơ và trao đổi thông tin với Nga. Đây là cách duy nhất trong tình hình hiện nay mà chúng ta có thể thử để tái khởi động cơ chế trao đổi của Hội đồng NATO-Nga”.

Kể từ tháng 6-2014, các cuộc gặp cấp cao đại sứ đã bị đình chỉ trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO, vốn được tận dụng để xử lý các liên hệ chính trị giữa NATO và Nga.

2. Hội nghị thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris sẽ phải ký được một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm khí thải đang làm cho Trái đất nóng lên.

Mặc dù bản dự thảo cuối cùng đã được rút xuống còn 27 trang, cho thấy các bên đã đạt được một số thỏa hiệp, tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa vượt qua được bất đồng trong 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất, các nước phát triển sẽ hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, với rất nhiều quốc gia, không thể phân định rạch ròi được là thuộc về nhóm nào. Đây là điểm quan trọng, vì nước giàu sẽ phải chi tiền, còn nước nghèo sẽ được nhận hỗ trợ. Hai là, 100 tỷ USD cho mỗi năm hay nhiều hơn? Các nước đang phát triển muốn con số 100 tỷ USD là con số sàn của năm 2020 và sẽ phải tăng dần vào các năm tiếp theo. Và thứ ba, mục tiêu là không để Trái đất nóng thêm quá 2oC vào cuối thế kỷ này hay giới hạn thêm nữa xuống mức 1,5oC. Như vậy, nếu không ra được văn bản cuối, COP 21 sẽ phải kéo dài thêm vài ngày nữa.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc và cho rằng, những quyết định của các Bộ trưởng tại COP 21 sẽ tác động đến tất cả các thế hệ và các bên tham gia cần thể hiện thiện chí và trên tinh thần xây dựng để có được một thỏa thuận mang tính đột phá để có thể đưa thế giới đi đúng hướng, vì một nền hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng lâu dài.